(Toquoc)-Dù mới được thi hành 1-2 năm nhưng các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải cho ý kiến sửa đổi
(Toquoc)- Nghị định 171 năm 2013 của Chính phủ và Nghị định số 107 của Chính phủ năm 2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt dù mới được thi hành 1-2 năm qua, nhưng đã phải cho ý kiến sửa đổi, bổ sung.
Sáng 23/6, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện 2 nghị định trên, đồng thời lấy ý kiến đóng góp sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Nhiều hành vi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt
Theo Vụ phó Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải Hoàng Thế Tùng, sau hai năm thực hiện Nghị định 171, Thanh tra giao thông đã phát hiện hơn 246.000 vụ vi phạm, xử phạt hơn 236.000 vụ với hơn 500 tỷ 586 triệu đồng, tạm giữ 1.900 ô tô.
Với lực lượng cảnh sát giao thông, lĩnh vực đường sắt đã lập biên bản trên 3.100 trường hợp vi phạm, lĩnh vực đường bộ đã lập biên bản gần 7 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 4.200 tỷ đồng, tạm giữ hơn 51.000 ô tô, hơn 851.000 xe mô tô…
Xe quá tải bị xử phạt
Theo Vụ An toàn giao thông, khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là do tập quán của một số vùng miền, điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau nên đã ảnh hưởng đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Một số nội dung quy định liên quan đến quản lý, hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt được ban hành và một số hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đang diễn ra trên thực tế như điều khiển ô tô đi trên hè phố, điều khiển xe qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy.. nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam, việc quy định chiều cao của thùng hàng đang gặp khó khăn do quy định khác nhau giữa loại xe nhập mới về và xe cũ.
Ông Viên cũng cho hay, thẩm quyền xử phạt hiện nay rất khó khăn với những hành vi vượt thẩm quyền thì phải mất nhiều thời gian để trình lên cấp trên về một mức xử phạt hành chính nào đó. Ngoài ra, với xe bị xử phạt, chủ xe thường tới chịu chấp nhận hình phạt rất muộn, có khi phải tới ba tháng họ mới tới gây khó khăn cho các cơ quan công quyền.
Về xe khách đóng giả xe hợp đồng, ông Viên cho hay, ở đường Trần Khát Chân, Hà Nội có nhiều xe khách trá hình đi Huế. "Cảnh sát giao thông kiểm tra thì đầy đủ phù hiệu nhưng là xe trá hình, ở đây như một bến xe dù vậy. Tôi đề nghị nâng mức phạt với xe hợp đồng không có người trong danh sách trên xe" - ông Viên nói.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Lào Cai cũng đồng tình với quan điểm của ông Viên và yêu cầu phạt nặng xe chở khách trá hình. Trước mắt, nếu chưa có văn bản thay thế thì Bộ Giao thông vận tải nên ra một văn bản cá biệt quy định ngay vấn đề này.
Các đại biểu cũng yêu cầu quy định chặt với xe ưu tiên. Hiện nay nhiều xe ưu tiên tư nhân sử dụng cho mục đích cấp cứu khi không có bệnh nhân vẫn bật còi, đèn. Cảnh sát giao thông Hà Nam đã từng xử phạt 12,5 triệu đồng với một xe cấp cứu ở Nghệ An, không chở bệnh nhân nhưng sử dụng còi ưu tiên và lái xe thì dùng rượu bia.
Các đại biểu còn cho rằng, với nhiều hành vi nếu không nâng mức xử phạt lên thì không đủ sức răn đe, nhiều trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, cảnh sát giao thông phải rượt đuổi cả 100 km chỉ để phạt 1 triệu đồng.
Còn theo ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng, Cục quản lý Đường bộ 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì đề nghị điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt với chủ phương tiện, hoặc để cho người làm công, người đại diện đăng ký phương tiện điều khiển xe có hành vi vi phạm quy định của trọng lượng.
Mức xử phạt hiện hành với chủ xe là cá nhân phạt tiền từ 2-4 triệu, xử phạt là chủ xe với tổ chức 4-8 triệu, ông Thanh đề nghị điều chỉnh mức xử phạt tăng thêm với cá nhân phạt tiền từ 12-14 triệu, với tổ chức từ 24-28 triệu đồng…
Lưu ý sửa đổi giảm mức xử phạt hành chính với một số hành vi
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho hay, báo cáo tổng kết thực hiện các nghị định cần đưa ra những tồn tại cần sửa đổi, bổ sung vào hai văn bản trên.
"Muốn sửa đổi thì đáng lý hôm nay, hội nghị đã phải đưa ra hai dự thảo nghị định cho văn bản này như thế nào. Điều nào cần sửa, cần bổ dung, lý do vì sao… đây mới là việc quan trọng" - ông Nghị nói.
Ông Nghị cũng nói thêm, khi dự thảo đã tương đối hoàn chỉnh thì các cơ quan liên quan nên dành thời gian tuyên truyền để người dân tham giao giao thông cùng góp ý.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho hay, hai nghị định mới có hiệu lực nhưng đã phải sửa đổi thì khó tạo tính ổn định trong thực hiện. Tuy vậy, các cơ quan vẫn phải rà soát, đánh giá, bổ sung để cố gắng, nghị định thực hiện trong 2-3 năm mà không phải sửa đổi tiếp.
Ông Thọ cũng yêu cầu, "khi soạn thảo dự thảo mới sẽ phải đề cập đến mọi khía cạnh về đối tượng, hành vi, mức độ xử phạt và thẩm quyền xử phạt. Lần này xây dựng theo hướng sẽ nghiên cứu cái gì chưa rõ thì sẽ lột tả cho rõ, cái gì thực hiện mà còn vòng vo thì sẽ đơn giản hóa để thực hiện. Điều gì mà chúng ta chưa dự báo đến sự phát triển trong thời gian tới mà trong xã hội sẽ xuất hiện thì cần nghiên cứu để đưa vào sửa đổi".
Ngoài ra, ông Thọ cũng lưu ý, không chỉ đề xuất tăng nặng mức xử phạt các hành vi, với những hành vi nào không nhất thiết phải xử phạt nặng thì dự thảo cũng nên hạ mức xử phạt hành chính./.
Thái Linh