• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Làm chủ công nghệ, khẳng định năng lực Việt...”

Thời sự 13/02/2018 07:59

(Tổ Quốc) - Đó là câu nói rất ấn tượng của Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng, khi đề cập đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này trong những năm qua, đặc biệt là năm 2017 - một năm nhiều thách thức nhưng ghi dấu về những thành tựu rất đỗi tự hào.

Từ nhanh hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn

Đây không phải là khẩu hiệu suông mà là sự trải nghiệm được đúc rút qua quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tính từ ngày thành lập. Riêng năm 2017 được xem là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt của doanh nghiệp này, thông qua những sự kiện quan trọng như hoàn thành và đưa vào khai thác công trình Hầm đường bộ Đèo Cả; hoàn thành giai đoạn 1 dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2; “giải cứu” cho dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn...

Trong đó, việc đưa vào vận hành khai thác công trình Hầm đường bộ Đèo Cả như là một mốc son của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nói riêng và những người đã trực tiếp, gián tiếp tham gia cùng dự án này.

Hầm Đèo Cả là hầm đường bộ lớn thứ hai hiện nay trên đường thiên lý Bắc – Nam ở nước ta, sau hầm Hầm đường bộ Hải Vân. Đường hầm này nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, được khởi công xây dựng vào năm 2012. Sau hơn 4 năm nỗ lực qua nhiều thử thách, đầu tháng 9.2017 công trình đã hoàn tất, đưa vào khai thác trước thời hạn 4 tháng.

Hầm đường bộ Ðèo Cả có tổng chiều dài 13.190m, khởi đầu từ Km 1353+150 (Phú Yên) đến Km 1374+525 (Khánh Hòa).

 Vượt qua những khó khăn về địa hình, địa chất đặc trưng của đèo núi, Công ty Cổ phần Ðầu tư Ðèo Cả đã hoàn thành Hầm đường bộ Ðèo Cả trước kế hoạch 4 tháng và nhận được sự đánh giá cao từ Ðảng, Nhà nước.

 

Với việc thông xe Hầm đường bộ Đèo Cả ngoài việc đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế, do rút ngắn được 8km hành trình, giảm thời gian lưu thông khoảng 40 phút so với lộ trình vượt đèo, công trình còn mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ông Cao Xuân Giao, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III - Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết: “Đèo Cả là một trong những cung đường nguy hiểm nhất trên quốc lộ 1A qua miền Trung. Với 12km đi qua núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp khuất tầm nhìn, có độ dốc lớn nên trung bình hàng năm tại đây xảy ra trên 10 vụ tai nạn giao thông, đa số thường nghiêm trọng. Về mùa mưa khu vực đèo này thường xuyên xảy ra sạt lở gây tắc đường, công tác đảm bảo giao thông vì vậy rất khó khăn”. 

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã trải qua hơn 6 năm thực thi. Trong đó có gần 2 năm chuẩn bị và hơn 4 năm triển khai thi công. Ở giai đoạn đầu việc khảo sát tuyến hoàn toàn phải dựa vào đường mòn, đến nỗi chúng tôi phải tính đến phương án tháo rời máy móc, thiết bị để di chuyển tập kết đến vị trí thi công.

"Vượt qua những khó khăn về địa hình, địa chất, thời tiết và cả sự hoài nghi ban đầu của nhiều người, cuối cùng chúng tôi đã xác định được hướng tuyến tối ưu với chiều dài hầm chỉ 4,3km, thay vì 5,7km như thiết kế ban đầu. Trong ròng rã hơn 4 năm đó, hầu hết thời gian chúng tôi đều tổ chức thi công 3 ca liên tục, kể cả ngày lễ, tết”, ông Hoàng chia sẻ.

Làm chủ công nghệ, người công nhân Ðèo Cả miệt mài với công việc “xuyên đèo”.

 

Từ việc nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế rút ngắn chiều dài hầm, dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã giảm tổng mức đầu tư từ 15.603 tỷ đồng theo hồ sơ được duyệt ban đầu, xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng.

Số vốn “dư” này đã được Bộ Giao thông vận tải điều chuyển đầu tư cho dự án xây dựng Hầm đường bộ Cù Mông. Có thể xem đây là một điểm sáng đáng ghi nhận mà dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã mang lại trong việc giảm chi ngân sách và nguồn lực cho quốc gia.

Làm chủ công nghệ, khẳng định năng lực Việt…

Có nhiều điều có thể kể về kỳ tích dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Nhưng, nếu chỉ chọn một điều, một vấn đề thì chúng tôi muốn nói rằng đây là lần đầu tiên một công trình hầm đường bộ quy mô lớn được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước.

Từ chủ đầu tư đến các nhà thầu thi công đều của Việt Nam. Họ đã làm chủ công nghệ tiên tiến về thi công hầm và vận hành hệ thống quản lý sản xuất một cách hoàn hảo để đưa công trình về đích đúng hẹn. “Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ, khẳng định được năng lực và thương hiệu Việt. Đây chính là niềm tự hào, hạnh phúc to lớn của chúng tôi. Hạnh phúc này đã được chứng minh bởi nhiều lần đúng hẹn trước đó”, ông Hoàng nói.

 Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT – TGĐ  Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả.

 

Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã đúng hẹn trong việc thực hiện các cam kết với ngân hàng; đúng hẹn với việc hoàn thành hầm Cổ Mã trước thời hạn một năm; đúng hẹn với nhà thầu và đối tác trong thực hiện các giao ước; đúng hẹn với cán bộ - nhân viên và người lao động tham gia thực hiện dự án trong việc đảm bảo các chế độ đãi ngộ tương xứng...

Ngoài ra, trong câu chuyện kết nối chuỗi hệ thống từ hầm Đèo Cả đến hầm Đèo Hải Vân, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã vinh dự được giao thi công dự án mở rộng Hầm đường bộ Hải Vân 2. Dự án này có tổng mức vốn đầu tư dự kiến gần 7.300 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hầm Hải Vân hiện hữu; giai đoạn 2 là mở rộng hầm lánh nạn thành hầm chính và xây dựng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành khai thác.

Vào cuối tháng 12/2017 vừa rồi, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua hầm an toàn; dự kiến, giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý I năm 2020. Đây là dự án nhằm “giải phóng”, giảm áp lực về lưu lượng phương tiện đi chiều Nam - Bắc cho hầm Hải Vân hiện hữu. 

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng không giấu được sự lạc quan: “Việc đưa vào khai thác hầm Đèo Cả và hầm Đèo Cù Mông sẽ cho Phú Yên thêm điều kiện thuận lợi, tạo một “cú hích”

quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, giúp Phú Yên vững tin hơn trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.

...Đến định tâm, định hướng, định lượng

Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả còn tạo dấu ấn đặc biệt trong việc  “giải cứu” BOT 64km cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Km 45+100 – Km 108+500, kết hợp tăng cường 105km mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 – Km 106+500 với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOT. Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, chính thức khởi công từ tháng 7.2015, nhưng hơn hai năm triển khai dự án này rơi vào bế tắc, vỡ tiến độ do năng lực tài chính và quản lý yếu kém của các nhà đầu tư, dự án không huy động được nguồn vốn tín dụng.

Trước tình hình trên, đầu tháng 5/2017, Bộ Giao thông vận tải đã kêu gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tham gia “giải cứu” dự án bằng việc mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC (doanh nghiệp đứng đầu liên danh các nhà đầu tư cũ) để đáp ứng năng lực tài chính và đảm bảo tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm công trình Hầm đường bộ Đèo Cả và tặng quà Tết cho đội ngũ cán bộ, công nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang làm nhiệm vụ tại công trình hầm Đèo Cả. 

Sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tham gia vào dự án, ngày 31/5/2017, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã chính thức ký hợp đồng tín dụng trị giá 10.169 tỷ đồng cho dự án. Sau khi “thay máu”, tiến độ dự án được đẩy nhanh, hợp phần tăng cường 105km trên QL1 đoạn Km1+800 – Km106+500 đến nay đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến cuối năm 2019, hợp phần xây dựng mới 64km sẽ kết thúc và thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2020.

Khi nói về định hướng tương lai của công ty, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định: “Chúng tôi đang khởi động một chương trình mới cho toàn hệ thống, với quyết tâm đổi mới, chúng tôi xác định phương châm hành động của mình với 6 chữ: “Định tâm – Định hướng – Định lượng”. Tôi nghĩ, khi xác định được tâm ở đâu, đi hướng nào và lượng hóa được kết quả để tiếp tục sàng lọc, rèn dũa chính mình; xây dựng đội ngũ để hoàn thành các mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn.

Dù chưa tường tỏ trong sự giải thích quá ngắn gọn về nội hàm của sáu chữ nêu trên, nhưng tôi nghĩ với cách kiến giải của người dẫn đầu doanh nghiệp - ông Hồ Minh Hoàng cũng cho chúng tôi hình dung ra được một cách tư duy mới, tư duy hành động thông qua các ứng tác và thực tiễn công việc đã hun đúc nên phương châm ấy".

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả có tổng chiều dài 13.190m, khởi đầu từ Km 1353+150 (Quốc lộ 1A) ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và kết thúc tại Km 1374+525 ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Trong đó tuyến hầm Đèo Cả dài 4.125m, tuyến hầm Cổ Mã dài 500m và 8.565m đường dẫn. Mỗi tuyến đều có hai đường hầm được thiết kế cách nhau 30m, mỗi đường hầm rộng 9,75m, gồm hai làn xe cùng với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng hầm, tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Lam Trình - Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ