• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lâm Đồng: Phấn đấu tỉ lệ nghèo thấp hơn mức chung cả nước

Kinh tế 03/11/2023 16:23

(Tổ Quốc) - Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bằng nhiều giải pháp tổng hợp, giai đoạn 2021- 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Giảm tỉ lệ nghèo đa chiều

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo là 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%. Trong đó: hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,6%, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,74%. Dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%. Tỷ lệ giảm nghèo qua từng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Lâm Đồng: Phấn đấu tỉ lệ nghèo thấp hơn mức chung cả nước - Ảnh 1.

Tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trong toàn tỉnh

Tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể, trong đó xâu chuỗi nhiều giải pháp tổng hợp nhằm hình thành bệ đỡ giúp hộ nghèo vươn lên. Trong đó, các tiểu dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được tận dụng triệt để.

Có thể kể đến Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Dự án hỗ trợ sản xuất cải thiện dinh dưỡng, Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững, dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Các chương trình dự án này đều được các địa phương, các ban ngành chọn lọc đưa vào triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình, ngành mình. Lồng ghép hài hòa, linh hoạt các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP... nên đã tranh thủ được nhiều nguồn lực kết hợp cùng những chương trình, dự án chuyên biệt của địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Nhìn chung, việc triển các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thông qua việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đã giúp người dân thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp; đặc biệt người dân đã biết lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình được quan tâm triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, vị trí, vai trò của người dân đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong tổ chức thực hiện Chương trình; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; đồng thời khuyến khích và vận động người dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Phấn đấu tỉ lệ nghèo thấp hơn mức chung cả nước

Để công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ và hiệu quả, bài học kinh nghiệm lớn nhất mà Lâm Đồng đã áp dụng thành công là xác định đúng thực trạng để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể với những mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn. Ở đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, điều hành các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo cũng được thực hiện nghiêm tức thông qua khâu tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho cơ sở thực hiện các dự án hoặc quản lý nguồn vốn đầu tư; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án.

Lâm Đồng: Phấn đấu tỉ lệ nghèo thấp hơn mức chung cả nước - Ảnh 2.

Nhiều mô hình giảm nghèo được thực hiện hiệu quả

Tỉnh cũng tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình triển khai chương trình phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai và minh bạch, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách được tăng cường nhằm hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lâm Đồng xác định rõ mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.

Giải pháp then chốt để hoàn thành mục tiêu này vẫn là tác động vào tư tưởng, làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, hàng loạt những biện pháp từ tuyên truyền vận động đến huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo; triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung; ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước; hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ đất sản xuất, cho vốn vay ưu đãi… sẽ là những đòn bẩy để đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Lâm Đồng đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ