(Tổ Quốc) - Lâm Đồng phát triển sâu rộng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Kon Tum đề nghị thẩm định Báo cáo KTKT đầu tư xây dựng công trình Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen; Đắk Lắk kết quả ghi nhận trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội là những điểm tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Lâm Đồng phát triển sâu rộng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Lâm Đồng, năm 2019, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, củng cố và tăng cường hệ thống chính trị cơ sở. Phong trào tiếp tục đi vào cuộc sống, được đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực hưởng ứng, trở thành hoạt động xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác đề ra, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân ngày càng chuyển biến rõ nét trong việc coi trọng văn hoá trong phát triển kinh tế xã hội.
Chất lượng Phong trào từng bước được coi trọng, hiện tượng nể nang, xuề xòa, hình thức trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Công tác xã hội hoá văn hoá, thể thao được toàn xã hội quan tâm, đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một nâng cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ; thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, nội dung phong phú đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh tham gia thực hiện Phong trào ngày càng đông đảo, góp phần xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; mô hình, điển hình tiên tiến về xã hội hóa văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, tạo nên sự đa dạng về nội dung và phương thức tổ chức xây dựng đời sống văn hóa và phát huy sức sáng tạo văn hóa của nhân dân trên các địa bàn.
Kon Tum đề nghị thẩm định Báo cáo KTKT đầu tư xây dựng công trình Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen
Sở VHTTDL Kon Tum đã có Tờ trình gửi Bộ VHTTDL đề nghị thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật (KTKT) đầu tư xây dựng công trình "Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, huyện Kon Plông".
Theo nội dung Tờ trình, các hạng mục được đề xuất bảo quản, tu bổ, phục hồi, gồm: Sửa chữa Nhà bia di tích (61,0 m2); Sửa chữa nền sân nhà bia (130,0 m2); Sửa chữa bậc cấp, đường vào nhà bia (204,0 m2); Sửa chữa mương thoát nước (71,0m); Sửa chữa Cổng tường rào song sắt (L=140,2m); Sửa chữa tường rào xây (L=55,4m); Sửa chữa các hạng mục phụ trợ như bồn hoa, đan mương thoát nước, trụ điện sân vườn....
Cũng theo nội dung Tờ trình, việc đầu tư xây dựng công trình Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen hướng tới mục tiêu: Bảo vệ chống xuống cấp Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, huyện Kon Plông; Hoàn thiện thêm các hạng mục để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Đắk Lắk kết quả ghi nhận trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội
Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cƣờng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội Voi huyện Buôn Đôn, Đua thuyền độc mộc huyện Lắk, lễ hội Đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana, Hội Vật cổ truyền huyện Krông Pắc, lễ hội dân gian các dân tộc Việt Bắc huyện Krông Năng, nghi lễ cúng cơm mới, nghi lễ Lồng Tồng huyện Cư M'Gar, nghi lễ cúng bến nước huyện Cư Kuin và một số lễ hội khác. Toàn tỉnh có 67 di tích, trong đó: 36 di tích lịch sử, kiến trúc danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (02 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 17 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng quốc gia (8 danh thắng, 1 kiến trúc, 8 lịch sử), 17 di tích lịch sử và danh lam thắng cấp tỉnh (9 lịch sử, 8 thắng cảnh) và 31 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng cảnh tiềm năng.
Nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở địa phương đã tuân thủ theo quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, nội quy, quy định của Ban Tổ chức lễ hội, đảm bảo các điều kiện về không gian, thời gian, địa điểm, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thể hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp Nhân dân, triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư. Các lễ hội được tổ chức chủ yếu là nguồn kinh phí từ xã hội hóa, ít sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa giáo dục cao, từ đó đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của người dân./.