(Tổ Quốc) - Tổ chức thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020; Hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn; Kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số là những điểm tin văn hóa nổi bật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tổ chức thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020
Sở VHTTDL Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-SVHTTDL về việc tổ chức thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định, việc triển khai thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020 sẽ được thực hiện trên địa bàn Phường 1 (thành phố Đà Lạt) và xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Kinh phí tổ chức thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ nguồn kinh phí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp theo Hợp đồng số 06/HĐ-GĐ ngày 29/5/2020.
Quyết định cũng nêu rõ, Chánh Văn phòng Sở, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, UBND Phường 1, thành phố Đà Lạt và UBND xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương; các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn đã dần được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong phát triển đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư. Cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh đã bố trí 1.368,3 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn toàn tỉnh ([1]). Toàn tỉnh hiện có 139/142 thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 97,88% với quỹ đất xây dựng trên 53.000m2. Đặc biệt một số nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: Xã Tân Hà, Nam Ban (huyện Lâm Hà), xã Tân Hội (huyện Đức Trọng), xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương), xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Trạm Hành (thành phố Đà Lạt), xã Đạ Tông (huyện Đam Rông), xã Quốc Oai (huyện Đạ Huoai)…, có 1.321/1.376 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 96%. Hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở cơ bản đã bám sát chức năng, nhiệm vụ cấp cơ sở như: thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên truyền cổ cộng; hoạt động thư viện, tủ sách, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ và sinh hoạt, hội họp của nhân dân.
Ngoài hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, hệ thống thiết chế văn hóa thuộc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng; trong đó có một số công trình lớn, tiêu biểu như: Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh; Quảng trường Lâm Viên - thành phố Đà Lạt; Quảng trường Phạm Văn Đồng - huyện Cát Tiên; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương;... Đến nay, toàn tỉnh có 01 Trung tâm Thể thao tỉnh, 04 nhà thi đấu đa năng; 12/12 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của mọi tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, hoạt động xã hội hóa văn hóa cũng nhận được sự tham gia tích của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" trong triển khai xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp trên 80 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động xây dựng mới và sửa chữa nhiều nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, buôn để các hoạt động văn hoá ở cơ sở ngày càng phát triển; tiêu biểu như: Thành phố Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Lạc Dương...
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã góp phần quan trọng trong phát triển đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh, làm cho các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, với nỗ lực của các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh, từ năm 2010 đến nay công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, tổng hợp kết quả, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp địa phương (theo Quyết định số 1053/QĐ-UBND ngày 30 tháng 05 năm 2013); Kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng năm 2012; Kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng năm 2014; Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể sử thi Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng 2015; Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2016.
Sau khi công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, xem xét xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.
Cùng với đó, thông qua các nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thực hiện Dự án Phục dựng lễ hội Buk Chu Bur của đồng bào Churu tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng; Lễ Pơthi – bỏ mả (của người Churu và nhóm K'ho ở K'Long - huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của cộng đồng K'ho Srê ở huyện Di Linh), lễ Bok Chu-bur (của cộng đồng Churu ở huyện Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), Lễ đưa lúa về kho (dân tộc K'ho – Lâm Hà), Lễ Sạ lúa, Lễ bắt chồng, Ngày Hội đoàn kết cội nguồn (dân tộc Churu – Đơn Dương), Lễ cầu mưa (dân tộc K'ho – Đam Rông), Lễ mang lúa về kho của người K'ho tại Đinh Văn – Lâm Hà, lễ cưới của người K'ho Cil tại xã Đạ Chais – Lạc Dương… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc./.