(Tổ Quốc) - Văn hoá là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó.
Bàn về văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước, nhất là ở vai trò lãnh đạo của Đảng, GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã khái quát: Từ đề cương văn hóa năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương V khóa 8, Nghị quyết 33 của Bộ chính trị; Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XIII. Đến bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 17/5/2021) đã khẳng định lại và làm sâu sắc hơn vai trò của văn hóa trong hoàn cảnh mới, trong đó nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhấn mạnh về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, GS.TS Lê Hồng Lý từng cho rằng để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá, trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hóa đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hóa nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.
Tiếp theo cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được, mà cái động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống trở thành gien di truyền văn hóa trong mỗi con người. Có như vậy cái động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ một cám dỗ vật chất hay tinh thần nào để nó bị vẩn đục, tha hóa thì sẽ dẫn đến dân tộc ấy bị tàn lụi, đúng như câu nói văn hóa mất là dân tộc mất.
Văn hóa là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó. Tạo cho con người sự bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, có như vậy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho họ. Và như thế sẽ không còn chuyện chạy theo bằng cấp, danh hiệu, chức danh hay những thành tích ảo, tạo nên những hàng giả, hàng nhái, thiếu chất lượng trong xã hội.
Để làm tốt những điều đó thì vấn đề pháp luật, kỉ cương phải được đề cao, đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và phải thật nghiêm minh. Những vụ án chống tham nhũng do Đảng tiến hành thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân mọi tầng lớp trong cả nước. Pháp luật, kỉ cương được tôn trọng, công minh và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ họ khi họ làm đúng những gì mà luật pháp cho phép. Không còn phải sợ bị bóp méo, bị những áp lực không trong sáng từ một số kẻ thực thi biến chất. Như thế động lực này sẽ khơi dậy sự sáng tạo cho con người. Và điều quan trọng hơn là tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỉ cương có một môi trường tốt cho tất cả các cơ hội phát triển. Một môi trường như vậy sẽ tạo được tính chính danh của mỗi con người ở vị trí của mình, ngăn chặn được những tham vọng về quyền lực, sự tham lam về đồng tiền, vật chất làm lóa mắt con người đẩy họ đến những việc làm bất chính.
GS.TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh một vấn đề hết sức quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay đó là văn hóa làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Các cụ ta đã đúc kết "thượng bất chính, hạ tắc loạn", người đứng đầu không là gương thì sẽ không tạo được sự nể phục, kính trọng đối với cấp dưới. Bản thân họ không gương mẫu thì mọi lời nói, việc làm đều không có giá trị trước cấp dưới. Ngoài mặt người ta có thể không nói ra, sợ bị trù dập, nhưng trong lòng không phục, coi thường. Người đứng đầu liêm chính, có đạo đức thì sẽ tạo được sự kính nể, yêu quý của cấp dưới, nể phục của anh em, bằng không sẽ chỉ là một sự tuân phục giả tạo và đến một lúc nào đó mọi sự sẽ được tung hê, hạ bệ một cách nhục nhã. Một điều quan trọng hơn, việc mất uy tín của người đó là một phần, song đau đớn hơn nữa là niềm tin của nhân dân vào tổ chức và rộng ra là Đảng và nhà nước bị phai nhạt, thì sự nguy hiểm sẽ lớn biết chừng nào! Văn hóa làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ ra để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước. Giống như trong thời gian chiến tranh, biết bao những tấm gương sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ sự tồn tại của tổ chức, đó chính là động lực văn hóa đã tạo nên sức mạnh bất chấp hiểm nguy của một con người trong những tình huống khốc liệt nhất. Sự hy sinh ấy không phải vì mục đích danh vọng, tiền tài, địa vị hay một danh hiệu nào, mà từ niềm tin được hun đúc của con người đó như một động lực văn hóa nội sinh của họ.
Theo cách nhìn nhận như vậy, chúng ta còn có thể chỉ ra rất nhiều các khía cạnh có thể khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong rất nhiều hoạt động khác nhau của mỗi con người. Vấn đề là nhìn ra được để khơi dậy động lực ấy làm nó thúc đẩy sự phát triển cho đất nước.
Như vậy, nếu nhìn văn hóa một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy văn hóa có mặt ở tất cả những gì liên quan đến con người và trong tất cả mọi lĩnh vực. Một khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hóa của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không phải chỉ thuần túy ở một loại hình văn hoá, nghệ thuật hay kinh tế xã hội nào khác. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội động lực văn hóa và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn. Chẳng hạn như từ sự kêu gọi của những nhà văn hoá, nhà chính trị hay văn nghệ sĩ có uy tín, được yêu chuộng trong xã hội, chúng ta thấy hàng triệu người đã tham gia vào những chiến dịch từ thiện, những hoạt động yêu nước hay đóng góp cứu trợ, trong các hoạt động từ thiện, giải cứu giúp đồng bào tại những hoàn cảnh nhất định. Tinh thần đó lại được khơi dậy như những năm tháng chiến tranh khi cả dân tộc "Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước" hay "tất cả vì miền Nam ruột thịt", "lá lành đùm lá rách"… như đợt chống dịch covid-19 vừa qua.
Hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hóa ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đều có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá, mà không chỉ thuần túy ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hóa trong bối cảnh riêng của ngành mình. Thiết nghĩ đến lúc này sự hiểu biết về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa ở chúng ta cũng cần phải được hiểu một cách thông suốt và nhuần nhuyễn như vậy không chỉ ở những người đứng đầu các bộ, ngành, mà phải lan tỏa sự hiểu biết ấy ra toàn xã hội. Có như vậy, mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hóa đối với sự phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta.
(Lược trích từ Tham luận "Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay" của GS. TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)