(Tổ Quốc) - Đây là nội dung then chốt được các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia quan tâm, trao đổi và chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Giáo dục thể chất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức” vừa diễn ra sáng ngày 25/11 tại Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM).
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) nhấn mạnh về vai trò của giáo dục thể chất trong thời đại cách mạng 4.0 đối với các cơ sở giáo dục đại học. Giáo dục thể chất là một trong mục tiêu giáo dục nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong hệ thống giáo dục nội dung đặc trưng của giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục, trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động cho sinh viên.
Hội thảo nhằm làm rõ một số nội dung sau: Thực trạng và khả năng thích ứng giáo dục thể chất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; Giáo dục thể chất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức; Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục thể chất các trường không chuyên; Một số hoạt động ngoại khóa của chương trình giáo dục thể chất;...
Báo cáo tham luận hội thảo, TS. Nguyễn Thế Tình, Đại học Huế khẳng định vai trò của giáo dục thể chất nhằm phát triển toàn diện các tố chất thể lực, và trên cơ sở đó phát triển các năng lực thể chất, bảo đảm hoàn thiện thể hình, củng cố sức khoẻ,... Đồng thời chương trình giáo dục thể chất trong các trường ĐH – CĐ & TCCN còn nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dục đó là trang bị kiến thức, kỹ năng và rèn luyện thể lực cho học sinh sinh viên. Và với trường ĐH Huế, trường xác định giáo dục thể chất theo nhu cầu, sở thích của người học và xem đây là phương pháp giáo dục xuyên suốt.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 trước xu thế hội nhập, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc thay đổi phương pháp giáo dục một cách toàn diện. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc ứng dụng CNTT và đổi mới môi trường, phương pháp giáo dục.
TS. Nguyễn Trương Phương Uyên, Trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất, Khoa Giáo dục quốc phòng & Giáo dục thể chất (Trường ĐH Tài chính – Marketing) chỉ ra 6 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất có thể áp dụng tại một số trường ĐH trên địa bàn TP.HCM.
Đó là: nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền; nhóm giải pháp về chương trình nội khóa, ngoại khóa; nhóm giải pháp về phương pháp dạy và học; nhóm giải pháp về đội ngũ giảng viên giảng dạy; nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị; nhóm giải pháp về xã hội hóa trong các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường.
Được biết, sau 7 tháng phát động, Hội thảo khoa học quốc gia: "Giáo dục thể chất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức" đã có gần 100 bài viết gửi về. Từ gần 100 bài viết, Ban tổ chức đã tuyển chọn, thẩm định và chọn 67 bài viết biên tập và in kỷ yếu hội thảo.