• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm gì để nghệ thuật sân khấu theo kịp thời đại?

Văn hoá 04/04/2018 10:50

(Tổ Quốc) - Trong đời sống hiện đại, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng có những thay đổi. Câu chuyện sân khấu còn lạc hậu, chậm phát triển so với đời sống hiện đại đã được bàn luận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sân khấu đã thực sự đổi mới, tiếp cận được hơi thở thời đại?  

Lạc hậu, cũ kỹ

Từ nhiều năm nay, câu chuyện làm thế nào để sân khấu hấp dẫn khán giả vẫn luôn là trăn trở của những người làm nghề.

Đã qua rồi cái thời chỉ cần một cái chiếu là có thế kéo được hàng trăm người ngồi xem chèo. Cũng không thể chỉ với một, hai hình ảnh cây cối, núi non được dựng bằng xốp trên sân khấu mà có thể khiến khán giả bỏ tiền mua vé vào xem. Thu hút khán giả, lôi cuốn họ bằng các hình thức mới như mở rộng việc khai thác ngôn ngữ thể hiện, nội dung và các hình thức thể hiện, xây dựng lại diện mạo sân khấu… là đòi hỏi cấp bách nếu sân khấu không muốn dần dần càng tụt lại phía sau trong đà phát triển của văn học nghệ thuật.

Nhiều kịch bản được đầu tư công phu, tạo yếu tố mới lạ, hấp dẫn khán giả

 

NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng ban lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho rằng, diện mạo sân khấu hiện nay quá lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đổi mới, nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa mới – cũ, nhưng sân khấu vẫn chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, đời thường…

Còn theo tác giả Tuấn Giang, thực trạng của sân khấu cả nước đang tồn tại nhiều yếu kém. Hiện nay tồn tại hai dòng sân khấu kịch trường là nghệ thuật sân khấu nhà nước và nghệ thuật sân khấu tư nhân. Dòng sân khấu nhà nước được ưu tiên nhiều hợp đồng lớn, hoặc đầu tư các chương trình nghệ thuật, có cơ sở biểu diễn sân khấu ổn định nên dù lạc hậu vẫn còn hơn các sân khấu tư nhân chạy ngược, chạy xuôi vì thiếu, hoặc không có sân khấu biểu diễn ở những điểm thuận lợi đông khán giả. Dòng sân khấu nhà nước dù đang bỡ ngỡ phải tự lo thân để tồn tại, nhưng đang ổn định vì được ưu tiên nhiều mặt. Còn sân khấu xã hội hóa đã quá quen với sự tự thân vận động để tồn tại. Nhưng để hấp dẫn khán giả thì theo tác giả Tuấn Giang, cần phải đổi mới sân khấu.

“Sân khấu kịch nói, cải lương, tuồng, chèo… tụt hậu nguyên nhân là do không đổi mới kịch bản, nghệ thuật diễn, trang bị kỹ thuật sân khấu, không gian sân khấu biểu biễn, chưa đáp ứng được điều khán giả muốn xem. Khuynh hướng dựng vở tự do dung túng, nhiều cảnh nóng dung tục, phản cảm… Diễn viên số lượng cao, chất lượng thấp. Đạo diễn nhiều, nhưng thiếu “đạo” vì tri thức chắp vá và chất lượng thấp. Không gian sân khấu, trang bị kỹ thuật sân khấu không đáp ứng sự thể hiện sáng tạo nghệ thuật để hấp dẫn công chúng”- tác giả Thanh Giang nhìn nhận.

Tuy nhiên, trong sự yếu và thiếu của dòng sân khấu tư nhân hay nhà nước vẫn còn muôn nẻo những sự buồn lo. Theo NSND Thanh Trầm “Nghề diễn viên theo tôi rất khổ cực, người xem có thể khen, chê, thậm chí không muốn xem vì lý do trên sân khấu toàn ông hoàng, bà chúa mà diễn nhạt nhẽo, như một sự vô duyên thì rõ ràng đó là sự tra tấn với khán giả”.

Người diễn viên phải sinh nghề tử nghiệp, luôn nặng lòng với vai diễn đảm nhận 

 

NSND Thanh Trầm thẳng thắn cho rằng đã đến lúc chúng ta phải có thái độ rõ ràng về nghệ thuật biểu diễn, phải làm sao cho đúng, cho hay, diễn viên biểu diễn phải mang tính chuyên nghiệp. Vấn đề đào tạo diễn viên, dạy diễn, dạy về phương pháp biểu diễn và nghiên cứu chuyên sâu, phân tích nhân vật… phải được xem trọng. “Điều quan trọng nhất, người diễn viên phải sinh nghề tử nghiệp, luôn nặng lòng với vai diễn đảm nhận thì mới trở thành nghệ sỹ biểu diễn giỏi được”- NSND Thanh Trầm nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đinh Quang Trung cho rằng, trong hoạt động biểu diễn sân khấu, bên cạnh việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sĩ cần khai thác, phát huy những giá trị của di sản, bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương, dân tộc, vùng miền để tạo nên sự độc đáo và đa dạng văn hóa. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ cần xác định rõ việc giao lưu văn hóa có thể đem lại nhiều lợi ích cho mỗi dân tộc nhưng cũng có nguy cơ làm tha hóa, thậm chí biến mất các nền văn hóa. Bởi vậy, việc tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn cần chú trọng tới yếu tố nội sinh, bản địa, vùng miền.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc thì nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ sắp xếp lại theo cơ chế tự chủ. Nghĩa là thời kỳ nghệ thuật sân khấu phải hóa thân vào kinh tế thị trường theo quy luật mới của hậu hiện đại, công nghệ số, cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, nó phải tuân theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán” theo nhu cầu thị hiếu tự do lựa chọn trong xã hội tiêu dùng. Nghệ sĩ cần sản xuất ra những mặt hàng mà “thượng đế” muốn, chứ không phải những thứ của mình vốn có, tác phẩm phải là một dạng hàng hóa đặc biệt, đem lại lợi nhuận.

Để đưa sân khấu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng cần đổi mới tổ chức nhân sự, sáng tạo tác phẩm, tiếp thị sản phẩm, nâng cao chất lượng biểu diễn. Ông cũng chia sân khấu thành hai dạng, phục vụ đại chúng và đỉnh cao. Theo đó, nhà nước đặt hàng tác phẩm sân khấu đỉnh cao và có những ràng buộc. Còn với dòng tác phẩm phục vụ đại chúng thì phải sáng tạo hướng tới nhân dân, hòa vào cảm xúc thẩm mỹ của nhân dân, mang niềm vui, nỗi buồn của nhân dân để thành “văn nghệ dân gian” thời công nghiệp hóa, là “đồ ăn nhanh” nhưng không “ngộ độc”…

Chia sẻ quan điểm này, NSƯT Xuân Bắc- Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, sân khấu cũng như cuộc sống hàng ngày nó chuyển mình từng giờ. “Nếu bạn muốn điện thoại mới, xe mới, cần quần áo mốt mới, thậm chí cả nhà mới thì tại sao, với nghệ thuật sân khấu lại cần cái cũ? Khán giả có nhu cầu đổi mới với sân khấu là đúng!”- NSƯT Xuân Bắc cho biết.

Theo NSƯT Xuân Bắc, để đổi mới sân khấu, cần tạo cơ hội cho thế hệ đạo diễn trẻ được thi thố, thể hiện mình nhiều hơn. “Sân khấu muốn mang hơi thở của thời đại, nhịp sống của thời đại thì cần có thế hệ những người làm nghề trẻ, mới mẻ trong những cách dàn đựng, tiếp cận sân khấu thế giới. Đội ngũ đạo diễn trẻ hiện nay vẫn có sự kế tục, kế thừa những tinh hoa của thế hệ đi trước nhưng có sự tươi mới. Sau này, các lứa đạo diễn trẻ kế tục sẽ chắt chiu những yếu tố của sân khấu hôm nay. Đó chính là sự phát triển”-NSƯT Xuân Bắc khẳng định./.

 

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ