• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm gì để phát huy hiệu quả trong dạy và học ngoại ngữ?

Giáo dục 21/09/2016 15:18

(Tổ Quốc) - Để phát huy hiệu quả của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã đưa ra 8 nội dung cần tập trung trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ, đối với đội ngũ giáo viên, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia (NNQG) 2020 cần phối hợp với các ban thực hiện nhiệm vụ của đề án ở địa phương, rà soát thực trạng đạt chuẩn của giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên các trường sư phạm ngoại ngữ và báo cáo trước ngày 31/10/2016. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch mời giáo viên bản ngữ, tình nguyện viên dạy ngoại ngữ. Vụ Hợp tác quốc tế, cục Đào tạo nước ngoài tăng cường mở rộng giao lưu hỗ trợ các địa phương để có giáo viên bản ngữ dạy ngoại ngữ.

Đối với người học, cần chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ ở các địa phương và các bậc học. Bên cạnh tiếng Anh, cần chú ý đến các ngoại ngữ khác. Một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội đang thí điểm dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn và lập kế hoạch triển khai tại các địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh nguồn: moet.gov.vn.

Cần mạnh dạn đưa vào chương trình từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, các bậc sau trung học các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Có thể nghiên cứu giáo trình các môn học được dạy bằng tiếng Anh tại các nước khác để đưa vào thí điểm, không nhất thiết phải tự xây dựng giáo trình; Tập trung tâm đến học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp tới; Sớm công bố dạng đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh để thầy cô và học sinh làm quen và ôn tập, gắn kết giữa việc học và thi đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Ngoài ra, rà soát, nghiên cứu lại yêu cầu chuẩn đầu ra môn ngoại ngữ với các cấp học từ Tiểu học tới Trung học phổ thông; Giám sát chặt chẽ hoạt động dạy học ngoại ngữ, tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ để người học tốt nghiệp đạt được chứng nhận năng lực ngoại ngữ đúng với năng lực thật sự của người học. Tạo môi trường học ngoại ngữ như hình thành các câu lạc bộ ngoại ngữ để học sinh, sinh viên và người đi làm có nhu cầu học tiếng Anh có thể tham gia. Phải thúc đẩy phòng trào toàn dân học tiếng Anh để việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực đối với người học.

Về học liệu, rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ theo hướng thực tế và trực tuyến để người học có thể học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi; Nghiên cứu, chọn lựa một bộ sách giáo khoa chất lượng của nước ngoài, chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông. Đối với các trường ĐH, CĐ, khuyến khích dùng giáo trình nước ngoài.

Xây dựng hệ thống học liệu hỗ trợ như hệ thống các clip ngắn đưa trên mạng để giáo viên và người học có thể tiếp cận trực tuyến; Tăng cường đưa công nghệ vào hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ. Học liệu không chỉ là giáo trình, nó gồm cả hệ thống các công cụ hỗ trợ để giúp người dạy, người học tiếp cận nhanh nhất và nâng cao trình độ tốt nhất.

Về khảo thí, sẽ chỉ có duy nhất một hệ thống là trung tâm khảo thí quốc gia để tránh tình trạng không thống nhất trong hoạt động khảo thí giữa các đơn vị.

Về tài chính, để nâng cao được trình độ tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh đòi hỏi sẽ rất tốn kém. Chủ trương của Bộ GDĐT là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Đặc biệt nên trông cậy vào xã hội hóa, khi xã hội thấy hiệu quả của việc học ngoại ngữ, mọi người sẽ tự học.

Về cơ chế chính sách, sẽ rà soát và bổ sung những văn bản còn thiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút giáo viên bản địa. Trong thời gian tới, cần nhanh chóng sửa Nghị định 73 để tăng cường thu hút các chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục nước ngoài vào Việt Nam.

Về truyền thông và cơ sở dữ liệu, Ban quản lý đề án phải xây dựng một cơ sở dữ liệu, học liệu để mọi người chia sẻ. Căn cứ vào đó, các nhà quản lý xây dựng chính sách làm cơ sở tham chiếu trong quá trình hoàn thiện và xây dựng kế hoạch cho xã hội thấy được học tiếng Anh hay ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân, có thật, không phải ép buộc.

Mỗi cán bộ sẽ là một đại sứ truyền thông, phải nói lên được những gì làm được và chưa làm được. Khi có sự nhìn nhận thông suốt trong toàn xã hội thì hành động mới thống nhất để hướng tới cùng mục đích.

Cuối cùng, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý. Người đứng đầu mỗi cơ sở giáo dục phải chia sẻ với giáo viên, với những vấn đề mới, khó, nhạy cảm. Với những thầy cô dạy giỏi và có nhiều sáng tạo để học sinh học tốt, hoặc đổi mới chương trình phải được khen thưởng xứng đáng và được đồng nghiệp tôn vinh.

Bộ trưởng yêu cầu BQL Đề án 2020 cần đưa những nội dung nêu trên vào Kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Mỗi nội dung phải có phụ lục cụ thể, được trình bày theo khung logic với các mục công việc, mục tiêu, sản phẩm, người thực hiện, người phối hợp theo lộ trình từng năm./.

Tuấn Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ