• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm phim lịch sử: thiếu tiền thiếu cả tài

Văn hoá 07/11/2012 07:43

(Toquoc)- Đó là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn, biên kịch đã chỉ ra cho thực tiễn phim lịch sử của nền Điện ảnh Việt Nam.

(Toquoc)- Đó là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn, biên kịch đã chỉ ra cho thực tiễn phim lịch sử của nền Điện ảnh Việt Nam.

Theo thống kê của Hội Điện ảnh Việt Nam, lịch sử 60 năm của nền Điện ảnh nước ta mới chỉ có khoảng 20 bộ phim về đề tài lịch sử. Sự thiếu và yếu này, đã có hàng loạt các cuộc hội thảo đề cập đến trong nhiều năm qua với đủ các khó khăn như: trường quay, kịch bản, kinh phí… Nhưng lần đầu tiên, một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn, biên kịch “sòng phẳng” nhìn nhận, đó là thiếu cả người tài.

Nghiệp dư và nhỏ lẻ vì đâu?

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh thì cuối những năm 80 của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam mới bắt đầu có phim lịch sử với “Hoàng Hoa Thám” (1987), “Đêm hội Long Trì” (1989), “Kiếp phù du” (1990). Phía Nam có hai bộ phim là “Thăng Long đệ nhất kiếm” và “Tráng sĩ Bồ Đề”. Rồi sau đó, cho mãi đến khi chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, chúng ta cũng phải rất vất vả mới cho ra đời hai bộ phim nhựa đều của các hãng tư nhân là “Tây Sơn hào kiệt” và “Khát vọng Thăng Long”. Phim về lãnh tụ thì chúng ta mới chỉ có 05 bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và 01 bộ phim về Chủ tịch Tôn Đức Thắng.



 

Chưa đủ điều kiện để làm phim về một triều đại thì có thể làm phim về các danh nhân lịch sử (ảnh minh họa)



Làm phim đã tốn tiền nhưng làm phim lịch sử còn tốn gấp nhiều lần. Đó là khẳng định của nhiều nhà làm phim. Tuy nhiên, bài ca đầu tiên vẫn là “tiền đâu”? Nhà nước đầu tư cho phim truyện lịch sử chiếu ở rạp chỉ trên dưới 10 tỷ đồng. Tư nhân bỏ tiền làm phim lịch sử- dã sử nghiêm túc như “Khát vọng Thăng Long”, “Thiên mệnh anh hùng” khoảng vài chục tỉ đã đạt mức “đỉnh” về đầu tư. Con số khiêm tốn như vậy, không thể đòi hỏi những bộ phim xứng tầm. Bởi vậy mới có câu chuyện hài hước nhưng lại có thật 100% đó là khi làm phim cần thực hiện cảnh về trang trại ngựa nhưng kiếm mãi, chỉ có được hai con ngựa gầy gò. Thế là, các nhà làm phim phải làm vài cái đuôi ngựa phe phẩy ở bụi cây để thể hiện các con ngựa đang chui đầu vào bụi ăn cỏ.

Bên cạnh đó, cơ chế sản xuất phim lịch sử ở ta lại chỉ mang tính mùa vụ. Chỉ khi có dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tưởng niệm danh nhân… thì mới có đặt hàng làm phim. Hai năm nay, Nhà nước không cấp tiền cho các hãng làm phim công lập. Trong khi, bài học của công ty “Sao thế giới” với con số lỗ lên đến 28 tỷ của bộ phim “Huyền sử thiên đô” khiến các nhà làm phim tư nhân chẳng “dại” gì mà đầu tư vào mảng đề tài này. Bởi vậy, không có phim là điều dễ hiểu.

Chính sự đầu tư nhỏ lẻ, cần thì làm cho có này khiến chúng ta mãi mãi là những kẻ nghiệp dư trên chính “thánh địa” của mình. Theo đạo diễn Đào Bá Sơn thì mỗi năm, điện ảnh Mỹ có làm đến cả 500-600 phim thì cũng chỉ một nửa số đó là phim xem được và khoảng 100 phim hay. Nhưng người ta vẫn cứ làm phim. Còn một nền điện ảnh như chúng ta, vài năm chẳng có bộ phim nào thì khó có phim hay được.

Đạo diễn Vương Đức thì chia sẻ: “Đất nước bị cấm vận rất nhiều năm nay như Ả rập Saudi vẫn bỏ ra 30 triệu đô để làm bộ phim “Muhamed- nhà tiên tri của Chúa trời”. Hay như Pháp, bỏ ra rất nhiều tiền để làm phim Điện Biên Phủ, để tìm hiểu thất bại của họ ở Đông Dương. Thế thì, một trong cái đầu tiên cần làm ngay là chúng ta phải dám làm, dám đầu tư. Hai năm nay, phim thông thường chúng ta còn không được cấp tiền làm thì làm sao làm được phim sử”. Đạo diễn của “Những người thợ xẻ” cũng cho rằng, là người làm phim nhà nước, ông sẵn sàng làm phim nhưng không được rót kinh phí chứ không phải là không muốn làm phim. Ông cũng khẳng định: Phải làm nhiều phim thì mới có phim hay được.

Dám làm thì sẽ thành công

Ngoài tiền thì theo nhà biên kịch Lê Phương, cái quan trọng nhất là thiếu tài năng: “Chúng ta còn thiếu nhiều thứ như trường quay, kịch bản, tiền… nhưng làm phim lịch sử thì quan trọng nhất là liều và tài. Nguyễn Trãi từng nói, “đất không có nơi nào hiểm và không có nơi nào không hiểm”. Cái quan trọng nhất là phải đầu tư cho người có tài. Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì cách làm chọn kịch bản theo phong trào, đấu thầu thì không thể có phim lịch sử hay được. Không ai đi đấu thầu người tài”.

Điều này, cũng được đạo diễn Đào Bá Sơn ủng hộ. Tuy nhiên, đạo diễn của “Long thành cầm giả ca” cho rằng, giữa hàng trăm đạo diễn mới có được vài đạo diễn giỏi, nhưng không phải phim nào của đạo diễn giỏi cũng là phim hay. Một đạo diễn giỏi làm trăm phim thì cũng chỉ được một nửa phim hay là cùng. Bởi vậy, quan trọng là phải hình thành thói quen làm phim sử. Ví dụ, đạo diễn đã làm phim sử rồi, đã có kinh nghiệm rồi thì sẽ làm tốt hơn. Bởi vậy, khi chọn người để làm phim thì phải chọn cho đích đáng.

Đây cũng là điều mà đạo diễn Vương Đức có cùng quan điểm. Ông cho rằng: “Với những người có tài thì trong 10 phim họ làm may ra mới được vài phim hay. Vì vậy, phải được làm phim và làm nhiều phim”.

Muốn tìm ra người có tài thì phải có đầu tư cho việc làm phim, có đào tạo. Đây là cái hệ nhân quả vòng vo kiểu quả trứng và con gà. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy, điều quan trọng là cơ chế của các cơ quan quản lý trung ương. Đầu tháng 12 tới, một cuộc hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đài tài lịch sử” sẽ được thực hiện với sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Hy vọng, sự quan tâm từ cấp cao về vấn đề này, đề tài lịch sử không còn là điểm yếu của nền điện ảnh cũng như các ngành nghệ thuật khác. Trong khi chờ đến lúc đó, theo nhà biên kịch Lê Phương, các đạo diễn nên tự chủ động. Trước mắt, chưa làm được phim có quy mô, tầm vóc lớn như phim triều đại thì chọn các danh nhân lịch sử phù hợp với thực tế đạo diễn, diễn viên, biên kịch… để thực hiện. Nếu dám làm thì sẽ có thành công./.

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam”. Hơn chục tham luận tại Hội thảo đã chỉ ra thực trạng yếu kém và những giải pháp của việc làm phim về đề tài lịch sử. Hội thảo là bước chuẩn bị để tiến tới hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử” sẽ được Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức vào tháng 12/2012.

 

 

Hồng Hà



NỔI BẬT TRANG CHỦ