• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm phim "Mùi cỏ cháy": Chuyện chưa từng có!

23/09/2006 21:52

Có lẽ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, "Mùi cỏ cháy" - nói về các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân - là bộ phim đầu tiên chưa khởi quay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng thông qua những hình thức đa dạng.

Có lẽ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, "Mùi cỏ cháy" - nói về các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân - là bộ phim đầu tiên chưa khởi quay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng thông qua những hình thức đa dạng.

Sau hơn một năm nằm im lặng tại Hãng Phim truyện Việt Nam, kịch bản Mùi cỏ cháy (dựa trên tinh thần cuốn nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Hoàng Thượng Lân, Đặng Thùy Trâm) của tác giả Hoàng Nhuận Cầm đã được chuyển cho một hãng phim tư nhân ở Hà Nội.

Những ngày này, chuông điện thoại của Hãng Điệp Vân film liên tục reo. Chỉ trong một buổi sáng, hãng phim này đã nhận được vài chục sự giúp đỡ bằng tiền mặt, nhân lực, vật lực... từ những tổ chức, cá nhân trong nước có chung khát vọng "đưa hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc lên phim".

Ùn ùn tài trợ, ủng hộ

Mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đưa cho tôi chiếc phong bì dán kín. Bên ngoài phong bì là dòng chữ: "Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đóng góp hai triệu đồng".

"Người tôi run bắn khi đón nhận chiếc phong bì này từ tay anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc" - Hoàng Nhuận Cầm kể - "Khi biết Điệp Vân film khởi động phim Mùi cỏ cháy từ con số 0, anh Nguyễn Văn Thục đã họp cả gia đình lại, bàn bạc chuyện giúp đỡ đoàn phim. Nhà anh ấy nghèo lắm, để có được hai triệu đồng ủng hộ đoàn phim là không đơn giản. Vì thế mà quý, mà cảm thấy trách nhiệm trên đôi vai rất thiêng liêng.

Ngay sau sự ủng hộ của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Hội Cựu chiến binh chiến sĩ Quảng Trị nhập ngũ ngày 6-9-1971 đã ủng hộ chúng tôi 500 triệu đồng; phía Quận đội ủng hộ nhân lực, khí tài, vũ khí chiến tranh; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ủng hộ 1.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện đóng trong cảnh cuối phim (cảnh thế hệ trẻ hôm nay thắp nên ngọn nến tuổi 20);

Hãng phim Giải Phóng ủng hộ máy quay và nhân lực phục vụ các cảnh quay tại TP Hồ Chí Minh; Báo An Ninh thế giới nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các cảnh quay lớn (cảnh các tân binh thả thư ở Cửa Nam - Hà Nội, cảnh chiến đấu ở đầu cầu Sài Gòn) và lo chuyện ăn, ở cho đoàn phim trong thời gian quay ngoại tỉnh...

Riêng đạo diễn Trần Vịnh, ra Hà Nội đúng ngày họp mặt các cựu chiến binh nhập ngũ ngày 6-9-1971 với ý định làm một bộ phim về thế hệ những người lính này, khi biết Điệp Vân film khởi động Mùi cỏ cháy đã gác lại ý tưởng của mình, ủng hộ đoàn phim 1.000 bộ phục trang và toàn bộ quả nổ sử dụng trong phim.

Nói chuyện với tôi, chuông điện thoại của Điệp Vân film vẫn tiếp tục reo. Báo Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm liên hệ với ngành đường sắt hỗ trợ cho đoàn phim thực hiện các cảnh liên quan đến "tàu hỏa" trong phim.

Bác sĩ Đỗ Minh Quang - người chôn cất Nguyễn Văn Thạc tại mặt trận Quảng Trị - ủng hộ 100 USD. Kỹ sư Lê Văn Phương, công tác tại Công ty liên doanh xây dựng đường bộ 2, mang đến 500.000 đồng. Có cả một người làm nghề xe ôm nài nỉ được góp 50.000 đồng, với câu nói "tiền ít nhưng tình nhiều".

Các nghệ sĩ tham gia phim (đạo diễn, quay phim, diễn viên chính...) cũng xin không nhận cát-sê... nhưng hãng phim cương quyết từ chối.

Bà Điệp Vân, Giám đốc hãng, cho biết: "Tôi muốn các nghệ sĩ nhận cát-sê, những đồng tiền do dân trực tiếp đóng góp để họ thấy sự thiêng liêng trong mỗi đồng tiền mà họ nhận được từ đó có trách nhiệm hơn với bộ phim".

Và quyết tâm của những người làm phim

Trong lúc bộ phim "Đừng đốt, trong đó đã có lửa" (dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm - đạo diễn Đặng Nhật Minh) có tổng dự toán khoảng 16 tỷ đồng đang ngồi chờ tiền đặt hàng của Nhà nước thì "Mùi cỏ cháy" bươn bả tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ trong xã hội.

Hoàng Nhuận Cầm quả quyết: "Chúng tôi chỉ cần khoảng 5 tỷ đồng là có thể quay thu đồng bộ, in tráng tại nước ngoài, kể cả làm kỹ xảo. Tư nhân làm phim tiết kiệm từng đồng, tiêu một đồng là phải thấy ngay hiệu quả".

Ông còn cho biết thêm: "Ban đầu, Phát hành phim Quân đội định hỗ trợ chúng tôi bằng cách sẽ mua phim với giá 500 triệu đồng (giá mua phim Việt Nam cao nhất hiện nay) nhưng sau khi đọc kịch bản, đơn vị này đã quyết định hợp tác cùng chúng tôi sản xuất "Mùi cỏ cháy".

Ê-kíp chính làm phim là những gương mặt khá "đình đám" trong làng điện ảnh. Đoàn phim cũng bước đầu sơ chọn được một số bối cảnh chính.

Trong lịch sử của ngành điện ảnh Việt Nam, đây là lần đầu tiên một bộ phim chưa khởi quay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng thông qua các hình thức giúp đỡ khá đa dạng.

Giúp đỡ, đồng nghĩa với hy vọng và chờ đợi được nhìn thấy sự ra đời của bộ phim. Trong khi hàng chục bộ phim đề tài truyền thống của Việt Nam bị ế ẩm ngoài rạp (nói chính xác là "chết yểu" sau một vài ngày công chiếu), thì việc các cá nhân trong xã hội ủng hộ tiền để làm một phim về thế hệ những người lính ra trận hơn 30 năm trước đáng là một sự kiện để các nhà quản lý điện ảnh suy ngẫm.

Còn với các nhà làm phim "Mùi cỏ cháy" thì áp lực phải thành công là rất nặng nề. Bà Điệp Vân khẳng định: "Tôi tin vào ê-kíp làm phim. Phim khởi động từ két bạc trống không, vậy mà họ quyết tâm lắm, lăn xả vào việc như tinh thần của những người lính năm xưa vào trận. Chúng tôi không thể thất bại".

Còn tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm thì cho biết sắp tới đây Điệp Vân film sẽ trình "Mùi cỏ cháy" ra Hội đồng duyệt kịch bản Quốc gia. Nếu được duyệt với số tiền trợ giá khoảng 1,1 tỷ đồng, Mùi cỏ cháy sẽ có cơ hội thực hiện các bối cảnh hoành tráng hơn.

Nhà nước và tư nhân cùng góp vốn sản xuất phim truyền thống cho ra tấm, ra món - một hình thức làm phim đáng suy ngẫm đấy chứ.

Q.T (Theo TT&VH)

NỔI BẬT TRANG CHỦ