(Tổ Quốc) - Để tăng lượng chi tiêu của du khách quốc tế tới Việt Nam, ngoài phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ đại chúng, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch - TAB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh còn cho rằng, cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá, sáng tạo…
Phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Kiên về chủ đề này.
- Thưa ông, các sản phẩm giải trí cho du lịch hiện nay Việt Nam cần đầu tư vào những loại hình nào?
+ Về các sản phẩm du lịch, tôi cho rằng Theme Park (công viên chủ đề) là nơi giải trí cho hàng ngàn người, thứ hai là các sản phẩm trải nghiệm và thứ ba là các chính sách phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Với sản phẩm Theme Park, tôi cho rằng, phần cứng không quan trọng mà quan trọng là content- nội dung.
Khi vào Disney, chúng ta không chỉ thích phần cứng mà phần mềm ở đó là gì: trẻ em đã xem chuột Mickey và các nhân vật trong phim hoạt hình của hãng rồi, trong đầu đã có sẵn rồi, mọi người cảm thấy vui và phấn khởi. Còn nhiều khu khác ở Việt Nam tới thì thấy mới, xịn thật nhưng không có nội dung, từ âm nhạc tới cảm xúc là không có, mà cái nội dung đó mới tạo cho người ta cảm giác "happy"– hạnh phúc.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch - TAB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh.
Về phát triển sản phẩm cho du lịch Việt Nam, chúng ta nói nhiều tới Theme Park, Casino, hay nghĩ tới buôn bán shopping, chỗ đi bộ... Thực ra cái đó không phải xấu nhưng đọc kỹ một báo cáo gần đây về du lịch của thế giới thì ngay cả khách châu Á đang giảm dần nhu cầu tới thăm Theme Park, shopping, ngay cả khách Trung Quốc đã giảm nhu cầu đi casino và cái gì càng nguyên sơ, độc đáo ở vùng đó thì càng tốt.
Đồng thời với việc phát triển các sản phẩm du lịch đại chúng thì chúng ta cũng cần có hàng trăm, hàng ngàn các doanh nghiệp xã hội để xây dựng sản phẩm độc quyền, độc đáo đại diện cho địa phương.
Xu hướng chung, theo tôi các Theme Park lớn sẽ giảm lượng khách bởi do không tập trung vào phần nội dung, cảm xúc tốt.
Ở Việt Nam có nhiều nhóm làm sản phẩm tốt và thực sự là có các sản phẩm cho nhóm khách hàng cao cấp muốn trải nghiệm như Oxalis có tour Sơn Đoòng ở Quảng Bình, ĐBSCL có sản phẩm Sông Xanh; đi bộ, đạp xe tại Mai Châu, Hòa Bình hay hàng loạt sản phẩm ở Hội An như trồng lúa, câu cá… đó là những sản phẩm cực kỳ đơn giản, dân dã cho du khách trải nghiệm mà không đâu có được.
- Vậy các sản phẩm dành cho du khách muốn trải nghiệm khi du lịch Việt Nam gặp vấn đề gì không thưa ông?
+ Vấn đề hiện nay là tạo hệ thống kết nối các sản phẩm đó với công ty lữ hành và các khách hàng trực tiếp trên một nền tảng công nghệ và đồng thời có cơ chế động viên các bạn để làm nhiều hơn nữa.
Đây là bài toán tôi đã nói từ 5-7 năm nay mà chưa có cơ chế thực sự như tạo ra các doanh nghiệp nhỏ của thanh niên chẳng hạn.
Chỉ trong vùng quê của mình thôi, các bạn có thể tạo ra các sản phẩm khám phá, khai thác các sản phẩm đặc thù và tìm kiếm các nguồn vốn để phát triển. Hiện chúng tôi có thể bỏ ra 1 triệu đô để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ có các sản phẩm như vậy. Ở đây không phải là cái gì to tát, vốn có thể rất ít thôi như làm mô hình homestay (du khách trải nghiệm cuộc sống luôn tại gia đình) chỉ cần 20 ngàn đô là có thể làm được, hoặc sản phẩm du lịch mạo hiểm chỉ cần 1-200 ngàn đô là có thể tạo ra những chương trình du lịch trải nghiệm tốt.
Chúng ta cần phải cập nhật nhu cầu thị trường, cần phải hiểu phục vụ ai, đối tượng đó cần gì, số lượng là bao nhiêu để tạo ra bao nhiêu sản phẩm. Ví dụ, nói về thị trường khách Úc, họ muốn trải nghiệm ẩm thực, hoạt động đi bộ, giao tiếp với người bản địa. Nhưng khách Úc lại thường không đặt trước tour trải nghiệm trước đó dài ngày mà khi tới địa phương rồi họ sẽ đặt tour. Vậy việc ở đây cần làm là giải pháp công nghệ và truyền thông. Các bạn có các sản phẩm độc đáo rồi hãy dùng công nghệ và truyền thông để quảng bá về mình, cùng kết nối với các công ty tour, các khách sạn lớn để quảng bá tour.
Từ Úc sang Việt Nam đã có đường bay, an ninh an toàn ở Việt Nam tốt, chi phí chấp nhận được thì chúng ta sẽ xây dựng được chương trình phù hợp với khách hàng.
Nhóm du khách trải nghiệm không phải là nhóm quay lại các điểm đến nhưng họ sẽ lan tỏa hành trình và có gợi ý của mình tới người thân của họ.
- Hiện nay có nhiều người muốn đầu tư homestay vậy điều gì đảm bảo các nhà đầu tư đầu tư nghiêm túc thưa ông?
+ Tôi nghĩ rằng, cái gốc vẫn là chính quyền nghiêm túc và đảm bảo rằng phải phục vụ lợi ích cao nhất của người dân. Chính quyền nơi ấy phải thường xuyên cải thiện năng suất lao động, môi trường sống, văn hóa, cũng như đảm bảo các nền tảng của xã hội tốt. Và cuối cùng là đủ thông minh để dự báo được xu hướng, động viên tính sáng tạo của mọi người đổ vào các nơi có thể có giá trị cao.
Chỉ có chính quyền địa phương mới biết được chỗ đó đâu là thế mạnh, chính quyền tốt mới xây dựng được nền tảng, đặt được lợi ích như tôi vừa nói thì đó là câu trả lời cho việc nhà đầu tư làm gì ở đó.
Nhiều nơi trên thế giới, chính quyền các địa phương đã đưa người dân địa phương tham gia vào phát triển du lịch. Việt Nam hoàn toàn có thể có những sản phẩm du lịch như thế mà nhiều thế hệ sau quay lại vẫn thấy điểm đến đẹp.
- Ở Việt Nam điểm nào có thể làm du lịch đại chúng tốt và cơ hội nào cho du lịch khám phá thưa ông?
+ Làm du lịch đại chúng, bài học ta học nhiều nhất là từ Thái Lan. Họ có tới 15 triệu lượt khách đại chúng, còn lại là du khách trải nghiệm. Và xu hướng chung của thế giới kể cả châu Á là chuyển dịch cộng đồng sang trải nghiệm.
Du lịch đại chúng, chúng ta chỉ cần tạo ra vài điểm trong cả nước, ví dụ như Đà Nẵng, Hội An, có thể thành Phuket của Thái Lan. Ở đây có môi trường tốt, văn hóa có nhiều điểm khác biệt, có nhiều điểm đến vượt trội hơn. Khu vực này chỉ yếu nhất là thời tiết thôi.
Việt Nam cũng cần cố gắng phát triển nhanh, bền vững nhóm làm trải nghiệm. Người Việt Nam dám khởi nghiệp, sáng tạo trên nền tảng công nghệ hiện có có thể làm ra sản phẩm tốt.
Mục tiêu đạt vài trăm ngàn tới triệu đô la một năm như Oxalis, tôi nghĩ là có thể.
- Xin cảm ơn ông!