(Tổ Quốc) - Những câu chuyện buồn về giáo dục trong những ngày vừa qua khiến không ít người đang được xã hội giao phó cho trọng trách thiêng liêng “trồng người” phải chạnh lòng khi nghĩ về nghề giáo, nghĩ về một bộ phận học sinh hiện nay.
Lâu nay, khi hỏi “nghề nào cao quý nhất trong những nghề cao quý?”, không cần phải suy nghĩ thì nhiều người cũng có thể trả lời ngay đó chính là nghề giáo. Thế nhưng cũng câu hỏi đó nay mang đi hỏi chính những người làm nghề giáo, đã không còn nhiều người dám nhận phần cao quý nhất ấy về mình. Những câu chuyện buồn về giáo dục xảy ra liên tiếp trong những ngày vừa qua khiến không ít người đang được xã hội giao phó cho trọng trách thiêng liêng “trồng người” phải chạnh lòng khi nghĩ về nghề giáo, nghĩ về một bộ phận học sinh hiện nay.
Trước đó, khi sự việc một cô giáo tại Trường tiểu học Bình Chánh (Long An) bị phụ huynh học sinh bắt quỳ xin lỗi còn chưa hết nóng thì thông tin nam sinh lớp 8 tại Trường THCS Tân Thạch (Bến Tre) bóp cổ giáo viên ngay tại lớp học khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Hai vụ việc xảy ra chỉ trong ít ngày khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: “Có chuyện gì đang xảy ra với nền giáo dục vậy?, Từ bao giờ trường học lại trở nên nhốn nháo đến thế?”.
Trường TH Bình Chánh, nơi xảy ra sự việc cô giáo quỳ gối trước phụ huynh. Ảnh: VietNamNet |
Nghĩ về ngày xưa, người thầy đến lớp thì nỗi lo lớn nhất chính là lo trò không hay chữ, lo các em học hành không đến nơi đến chốn. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, trách nhiệm lớn lao mà phụ huynh gửi gắm khiến người giáo viên luôn phải nỗ lực, tìm mọi cách để dạy dỗ học sinh của mình nên người. Bởi vậy chuyện học tốt có thưởng, làm sai bị phạt là điều hết sức bình thường và hiệu quả như thế nào thì chúng ta cũng không cần phải bàn luận thêm. Thực tế, bài học ấy đã được biết bao thế hệ khắc sâu, đến nay mỗi khi nhớ lại vẫn thầm cảm ơn vì đã có những người thầy như vậy.
Ngày nay người thầy đứng trên bục giảng trong tâm thế khác, phải đối mặt với không chỉ một mà còn rất nhiều nỗi lo, áp lực. Tạm bỏ qua những áp lực công việc mà lâu nay đã nhắc đến quá nhiều như áp lực với ban giám hiệu, với thanh tra, với hồ sơ sổ sách, bồi dưỡng chuyên môn và rất nhiều cuộc thi của các cấp trong một năm học… Có những nỗi lo, áp lực mà lẽ ra họ không đáng phải chịu như lo bị hành hung, lo “đụng chạm” với học sinh, phụ huynh…
“Giáo viên bây giờ đến trường “sợ” học sinh lắm!?”, nghe có vẻ tréo ngoe, ngược đời nhưng đó lại là những tâm sự “ruột gan” mà người viết được những người bạn của mình đang là giáo viên thổ lộ. Chứng kiến những sự việc như vừa qua, không ít thầy cô cảm thấy ngán ngẫm, xót xa và có đôi phần… bất lực. Vì đâu nên nỗi?
Quan điểm giáo dục hiện nay nghiêm cấm, không cho phép giáo viên có những hình phạt đụng chạm đến thân thể, danh dự của học sinh mà chỉ dừng ngang mức nhắc nhở, phê bình, hạ hạnh kiểm,.. Học sinh bây giờ được bảo vệ để không bị bạo lực. Có lẽ vì vậy mà theo nhiều giáo viên, không ít học sinh lợi dụng điều này mà trở nên “lờn luật”, quậy phá, thậm chí vô lễ với giáo viên gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Từ đây, vấn đề phạt hay không phạt, nếu phạt thì phạt như thế nào khi các em mắc lỗi cũng gây ra nhiều tranh cãi. Tôi tin sẽ chẳng có giáo viên nào muốn phạt học sinh của mình khi các em là những học trò ngoan, chăm học. Và nếu có phạt cũng là giải pháp cuối cùng vì quan tâm và muốn các em tốt hơn.
Nói đến đây cũng cần phải bàn về trách nhiệm của các phụ huynh hiện nay trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục con em. Nhiều phụ huynh gửi gắm con đến trường với tâm lý xem con lúc nào cũng là nhất. Muốn con học tốt hơn, ngoan hơn nhưng lại ngại con bị phạt mỗi khi va vấp. Khi con bị phạt do mắc lỗi, một số phụ huynh thường mất bình tĩnh, vô tình lại biến con thành những “cậu ấm, cô chiêu” với suy nghĩ đằng sau lưng luôn có bố mẹ hậu thuẫn. Chính sự “thỏa hiệp” đó của một số phụ huynh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh hiện nay trở nên khó bảo hơn, thậm chí có hành vi tấn công cả giáo viên.
Thế mới nói chuyện giáo viên bây giờ đâm ra “sợ” học sinh, “sợ” phụ huynh là có thật. Cũng nói thêm, để bảo vệ “nồi cơm” của mình, nhiều giáo viên hiện nay đành chọn giải pháp buông xuôi, chỉ tập trung vào chuyên môn, mong dạy xong tiết rồi về. Còn chuyện can thiệp, giáo dục những học sinh hư, cá biệt,.. thì càng hạn chế càng tốt chứ không còn nhiều tâm huyết. Những hình phạt học sinh xưa nay thường thấy như úp mặt vào tường, quỳ gối khi không học bài... Đơn giản là để tránh cái cảnh “lương ba cọc ba đồng mà dính thêm cái đơn lại khổ”, theo như lời một người bạn giáo viên của người viết tâm sự.
Lâu nay các mắt xích gia đình, nhà trường và xã hội là những yếu tố không thể tách rời trong giáo dục. Trong bối cảnh như hiện nay thì điều này lại càng quan trọng. Chất lượng giáo dục sẽ không thể nào tốt hơn khi mà giáo viên và học sinh đến trường còn phải dè chừng lẫn nhau. Thiết nghĩ trong môt phạm vi chừng mực nào đó, phụ huynh cũng nên thông cảm và tin tưởng trao cho người thầy quyền được… làm thầy. Khi có vấn đề xảy ra cũng cần phải bình tĩnh tìm hiểu, xem xét sự việc thông qua nhà trường để tìm giải pháp. Nếu giáo viên sai thì đã có các cơ quan chức năng xử lý.
Gia đình có 2 đến 3 đứa con, chuyện mỗi đứa mỗi tính, có đứa hư đứa ngoan thì việc giáo dục con tốt đã là hết sức nhức đầu. Có mấy phụ huynh chưa từng bắt con úp mặt vào tường hay khẽ đánh vài roi khi con mắc lỗi. Trong khi đó mỗi lớp học hiện nay có đến vài chục học sinh, có học sinh ngoan, có học sinh cá biệt, để hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy quả thực không hề đơn giản. Làm sao tránh khỏi những lúc trách phạt để các em biết sai mà sửa đổi, nên người. Thế mới thấy, làm thầy thời nay khó lắm, phải đâu chuyện đùa!.
Lê Chung