• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm thế nào để dẹp tận gốc nạn "xe dù, bến cóc"?

Pháp luật 23/11/2022 20:22

(Tổ Quốc) - Sáng 23/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc".

Làm thế nào để dẹp tận gốc nạn "xe dù, bến cóc"? - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt ra vấn đề nhiều người dân phản ánh nạn "xe dù, bến cóc" tồn tại và ngày càng tràn lan ở các trung tâm thành phố lớn nhưng không giải quyết được dứt điểm, gây mất trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tạo ra sự méo mó của thị trường vận tải, cũng như sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và bình đẳng giữa các hãng xe, làm xấu mỹ quan đô thị…

Chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ các DN vận tải và Bến xe, tình trạng xe dù đang phát triển ngày càng nhiều, từ một xe, 2 xe rồi 3 xe, từ xe 9 ghế đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh. Tình trạng này đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. 

Bên cạnh đó, do cạnh tranh không bình đẳng của xe dù nên nhiều xe tuyến cố định đã bị dừng, nhiều tuyến xe cố định phải giảm tần suất và doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe có giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT thừa nhận: "Xe dù, bến cóc" là chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý dứt điểm.

Theo thống kê của Cục Đường bộ, xe tuyến cố định chỉ có hơn 18.300 xe nhưng xe hợp đồng lại lên tới gần 222.800 xe, gấp 12 lần so với xe cố định. Điều này cho thấy, khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì họ phải chuyển sang phương thức khác hoặc xe buýt, hoặc xe hợp đồng.

Nhìn từ góc độ khác, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Tình trạng xe dù, bến cóc là do hội chứng lợi ích mà ra. "Rõ ràng đây là hiện tượng tiêu cực, đây là hành vi trái pháp luật diễn ra "giữa ban ngày ban mặt" mà chúng ta không xử lý được thì lỗi này thuộc về toàn bộ hệ thống chính trị chứ không thể đổ lỗi cho các nhà xe hay trách nhiệm của các doanh nghiệp", TS. Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu

Trao đổi về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân tích, nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng "xe dù, bến cóc" tồn tại, phát triển là việc chúng ta tổ chức và bố trí các bến xe tương đối xa khu vực người dân đang sinh sống. Trong khi đó, giao thông công cộng lại chưa kết nối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân đi lại.

Đáng nói, rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… không quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách dẫn đến tình trạng nguời dân lựa chọn xe dù cho thuận tiện với nhu cầu của mình. Mặt khác, trong Nghị định 86 và mới đây là Nghị định 10 đang thiếu quy định là các địa phương phải quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải công cộng.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng: "Chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, bản thân nhiều người dân vẫn giữ thói quen tiện đâu đi đó khiến cho xe dù ngày càng nở rộ".

Cần biện pháp mạnh hơn

Bàn về giải pháp để dẹp tận gốc nạn "xe dù, bến cóc", ông Khuất Việt Hùng cho rằng, mỗi địa phương cần xem xét lại quy hoạch bến bãi, quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón, trả khách hiện nay. Người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực thi pháp luật. Đặc biệt, cần khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để "trong chừng mực nào đó chúng ta xác định được vi phạm để xử lý".

Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị lực lượng chức năng gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an địa phương phối hợp chặt chẽ đi kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải việc thực hiện giám sát phương tiện, nhất là dịp Tết sắp tới.

"CSGT không làm được những cái bên trong, chỉ có thể kiểm soát trên đường. Cho nên lực lượng tại chỗ, cảnh sát trật tự, công an phường, xã, thanh tra giao thông phải làm mạnh việc kiểm tra thực hiện quy định pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải thì sẽ giảm bớt được rất nhiều", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Về mặt xử lý, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đề nghị, người dân gặp hiện tượng "xe dù, bến cóc", phát hiện "cò mồi", bảo kê xe khách hoạt động sai quy định nên tố cáo đến lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý. Cụ thể, người dân có thể tra trên mạng số điện thoại đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự hoặc thậm chí Cục Cảnh sát điều tra… hoặc nhanh nhất là cung cấp thông tin theo số điện thoại 113.

Nhắc đến Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ năm 2020 về kinh doanh vận tải bằng ô tô, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh đến một nội dung tương đối quan trọng là việc lắp thiết bị giám sát hành trình và camera trên ô tô khách và một số đối tượng xe, giúp cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có thêm công cụ rất hiệu quả quản lý phương tiện.

Bà Hiền cho biết, trong thời gian tới, Cục Đường bộ sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị như là các bến xe, các điểm đón trả khách.

Cục Đường bộ cũng đề nghị các địa phương cân nhắc, thận trọng điều chỉnh vị trí bến xe, tránh tình trạng các bến xe đang hoạt động hiệu quả, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân thì điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị nội đô, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

Đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt

Về đề xuất, kiến nghị, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề xác lập hệ thống giao thông, điểm đỗ, bến xe và sự kết nối, phương tiện kết nối thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là vai trò của cơ quan tham mưu là Bộ GTVT, các cấp địa phương.

Mặt khác, vai trò tổ chức thực hiện tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, kể cả dân phòng, công an xã, phường, các lực lượng địa phương rất quan trọng. Vì vậy, cần tuyệt đối tránh trường hợp lực lượng chức năng không thực hiện hết chức trách, hoặc đã được người dân báo tin nhưng lực lượng chức năng không xử lý đến nơi đến chốn.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị người dân nên tăng cường hợp tác, thông báo cho cơ quan chức năng qua hệ thống đường dây nóng, đặc biệt là hệ thống quản lý hành chính 113 để các cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để nạn xe dù bến cóc./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ