• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm việc với Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị: Không được để đứt gãy trong du lịch

Du lịch 21/08/2020 16:03

Để thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Du lịch cần nhanh chóng xây dựng bản đồ số về du lịch an toàn và tham mưu, đề xuất những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn”.

Làm việc với Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị: Không được để đứt gãy trong du lịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: THẾ PHI

Đó là nội dung trọng tâm được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch vào sáng qua 20.8.

Xây dựng Bản đồ số du lịch an toàn

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Từ đầu năm 2020, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, ngành Du lịch gặp khó khăn lớn bởi đại dịch Covid-19. Khi Việt Nam kiểm soát thành công dịch bệnh, du lịch quốc tế chưa mở lại, ngành Du lịch lập tức phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Lượng khách du lịch nội địa từ tháng 5-7 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, công suất buồng phòng khách sạn ở các trung tâm du lịch lớn trên cả nước đạt 80-90% dịp cuối tuần và 60-70% vào ngày thường. Nhưng chưa đầy 3 tháng sau, ngành Du lịch đã phải đối mặt với đợt khủng hoảng mới khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 trong cộng đồng”.

Đến nay, gần như toàn bộ các công ty lữ hành, khách sạn đã tạm đóng cửa chờ hết dịch, chỉ khoảng 10% hoạt động cầm chừng, 100% hướng dẫn viên du lịch đã nghỉ việc, phần lớn nhân viên khách sạn cũng nghỉ việc, giảm giờ làm. Tóm lại, chưa bao giờ trong lịch sử phát triển 60 năm, ngành Du lịch lại khó khăn như hiện nay. Cả ngành rất khó để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Một số hoạt động của Tổng cục Du lịch cũng phải tạm dừng hoặc thay đổi nhiều lần để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo, trong số 22 đầu việc của Tổng cục Du lịch năm 2020, trừ những nhiệm vụ, hoạt động có liên quan đến việc tập trung đông người mới lùi hoặc điều chỉnh, còn những nhiệm vụ chuyên môn, trọng tâm đã được phê duyệt theo kế hoạch từ đầu năm phải nỗ lực hoàn thành. Đến nay, mới chỉ có một số tỉnh, thành phố có người nhiễm dịch, phần lớn các khu, điểm du lịch, khách sạn vẫn mở nhưng không có khách do tâm lý e ngại dịch bệnh. Vì thế, Tổng cục Du lịch cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng Bản đồ số du lịch an toàn. Trong đó, có các thông tin chung về điểm đến, địa điểm nào an toàn, địa điểm nào có dịch, đáp ứng những tiêu chí an toàn nào… để du khách yên tâm lựa chọn, doanh nghiệp du lịch có định hướng lên kế hoạch phục hồi.

Chủ động đề xuất chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Đánh giá cao sự chủ động của ngành Du lịch trước những diễn biến mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Đã thấy bóng dáng của sự quyết liệt trong việc phòng chống dịch Covid-19, đồng thời với việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và khát vọng cháy bỏng về việc đưa Việt Nam thành điểm đến an toàn, thân thiện của thế giới. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn cần lưu ý tới việc nâng cao sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, gần nhất là Thái Lan, sau khi dịch được kiểm soát”.

Trước mắt, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành Du lịch, những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, có thể gây ra những đứt gãy du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ bám sát thực tiễn, tập trung rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách để chủ động tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc thời gian qua thực hiện các gói kích cầu du lịch; Gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói tài khoá phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; Miễn, giảm, chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc. Nếu còn bất cập, người lao động và doanh nghiệp trong ngành Du lịch chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì tiếp tục đề xuất điều chỉnh, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, khoanh nợ; Người lao động mất việc được hưởng hỗ trợ... Tiếp tục làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về chính sách giá điện.

Thứ trưởng yêu cầu ngành Du lịch phải cố gắng hết sức có thể để giảm sự lo lắng, băn khoăn của người người lao động trong ngành do mất việc, thiếu việc làm vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với những nhiệm vụ trọng tâm khác từ nay đến cuối năm và thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Tổng cục Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành đúng tiến độ, tiếp sức cho sự hồi phục và phát triển của ngành. Sớm xây dựng, hoàn thiện bộ máy, cơ chế tài chính của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đưa Quỹ đi vào hoạt động. Đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu, chọn năm 2021 là năm đột phá về công tác cán bộ. Thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành Du lịch phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, giải pháp khả thi, có sản phẩm cụ thể để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ngành Du lịch từng bước khôi phục, góp phần hoàn thành mục tiêu kép, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Theo Baovanhoa.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ