• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm vợi bớt nỗi đau cho trẻ trước đại dịch

Thời sự 11/12/2021 08:15

(Tổ Quốc) - Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội, đã có những mất mát về người, để lại những nỗi đau khó có thể bù đắp. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu "Phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các em cả trước mắt và lâu dài, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc những đứa trẻ không có người thân, cần được ưu tiên lúc này".

Lan tỏa hơi ấm tình thương

Trong diễn biến phức tạp và hệ lụy khôn lường của đại dịch COVID-19, trẻ em được xem là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 11/2021, cả nước ghi nhận 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1, gần 3.000 trẻ em mồ côi do đại dịch (riêng TP Hồ Chí Minh, số trẻ mồ côi do đại dịch lên đến 1.500 em).

Trước tình hình trên, các cấp, các ngành và nhiều nguồn lực xã hội đang nỗ lực chung tay chăm lo, bảo đảm mọi quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học tập…

Tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Nguy cơ khủng hoảng tâm lý xảy ra sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt với một tương lai không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.

Tại những địa phương là điểm nóng của dịch bệnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, các cấp chính quyền, đoàn hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các em. Các em nhỏ vì thế như được tiếp theo hơi ấm từ tình thương, sự chia sẻ, chăm sóc, để có thể học tập, vượt qua khó khăn do đại dịch.

Làm vợi bớt nỗi đau cho trẻ trước đại dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại TP Hồ Chí Minh, Thành Đoàn - Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động trao 9.000 túi quà cho thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong khuôn khổ chương trình "Triệu túi an sinh" do Trung ương Đoàn phát động. Các phần quà tặng gồm có dụng cụ học tập, máy tính bảng, sách giáo khoa... cùng các nhu yếu phẩm khác.

Các em thiếu nhi được trao quà là trẻ em có gia đình thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương; trẻ em bị mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện; trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả hai đang là bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị; trẻ em bị mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai vì COVID-19; trẻ em đang phải tạm xa cha mẹ do dịch.

Bên cạnh đó, Thành Đoàn - Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực kêu gọi, vận động sự giúp sức từ các tổ chức, đơn vị và cộng đồng để mang đến hàng trăm suất học bổng bảo trợ đến hết lớp 12 cho các em học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, không để các em dang dở việc học. Tại TP Hồ Chí Minh, thành phố đã kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng thì hãy chia sẻ với học sinh khó khăn trong việc học trực tuyến.

Phát huy mọi nguồn lực

Dịch COVID-19 hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp, công tác phòng chống dịch được đẩy mạnh với những biện pháp mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là những nơi đã chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Việc chăm lo cho trẻ em tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các cấp, các ngành, nhiều nguồn lực xã hội cũng đang chung tay chăm lo, đảm bảo mọi quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học tập…

Tại nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hoạt động, các kênh thông tin tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe và dinh dưỡng cho thanh thiếu nhi trong thời gian học tập tại nhà; hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, cũng như triển khai nhiều sân chơi dưới hình thức trực tuyến. Hiện đã hình thành mạng lưới các giảng viên, các chuyên gia công tác xã hội và sức khỏe tâm thần tình nguyện tư vấn, chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em (111) là đầu mối, tiếp nhận các yêu cầu từ phía người dân và trẻ em để kết nối, chuyển đến các chuyên gia và các cơ sở cung cấp dịch vụ.

Để có thể chăm lo cho các em, nhất là trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì COVID-19, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực và cách thức khác nhau.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã và đang vận động các nguồn lực để hỗ trợ cơ sở vật chất, máy tính, điện thoại và kết nối mạng internet... tạo điều kiện thuận lợi cho các em học trực tuyến. Riêng trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội như: mồ côi cả cha mẹ, trẻ mồ một phía và người còn lại không có khả năng chăm lo, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật... thì được miễn giảm các khoản phụ phí khác. Các em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập sẽ được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ học tập thông qua các loại hình học bổng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Minh Khai, Tài năng trẻ...

Cũng theo ông Lê Minh Tấn, những trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị do mắc COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế (tối đa 45 ngày đối với trường hợp là F0 và 21 ngày đối với trường hợp F1). Mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ thêm một lần mức một triệu đồng và ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.

Làm vợi bớt nỗi đau cho trẻ trước đại dịch - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID-19 được áp dụng mức trợ cấp hệ số 2,5 (đối với trẻ em dưới 4 tuổi); hệ số 1,5 (đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên) và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Các trẻ sẽ được trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi. Ngoài ra, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2001/NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mẹ thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân hoặc cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; người nhận làm con nuôi hoặc đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập. Cùng với các tổ chức, cá nhân thay thế chăm sóc trẻ, hiện các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã và đang vận động những người có điều kiện nhận chăm sóc hoặc hỗ trợ cho trẻ có cả cha lẫn mẹ qua đời do COVID-19 hoặc có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh COVID-19.

Mới đây, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương và các đơn vị chức năng triển khai thực hiện hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em là con của sản phụ mắc COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021. Quỹ hỗ trợ 2 triệu đồng đối với trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai mất vì mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đây thực sự những hành động thiết thực, sự quan tâm kịp thời dành cho các em trong mùa dịch, để hơi ấm tình thương luôn lan tỏa. Sự quan tâm sâu sát, kịp thời của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương tới địa phương, sự chung tay của toàn xã hội và các nhà hảo tâm, chính là tiền đề để giúp các em sớm vượt qua nỗi đau mất mát, bắt nhịp với đời sống xã hội./.

Thùy Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ