(Tổ Quốc) - Sáng 28/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cùng đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cùng các em học sinh, sinh viên một số trường.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả sau hơn 01 năm triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017 (sau đây gọi là Đề án); để từ đó xác định các giải pháp cụ thể cho việc triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà trao Giải phát triển văn hóa đọc cho 6 cá nhân. Ảnh: Việt Hùng
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả tích cực: Đến nay Bộ VHTTDL đã nhận được kế hoạch triển khai đề án của 56 tỉnh/thành và 6 Bộ, ngành; Xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc; Tổ chức tọa đàm xác định các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc; Xây dựng quy chế giải thưởng văn hóa đọc; Vận động nguồn tài trợ cho phát triển văn hóa đọc.
Hoạt động thư viện của cả nước đã có sự chuyển mình lớn phục vụ thiết thực các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân. Với sự đổi mới trong phương thức phục vụ, ngoài phục vụ tại chỗ các thư viện đã triển khai phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng; cải cách đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức theo hướng dẫn của Bộ, đẩy mạnh việc luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam…
Toàn cảnh Hội nghị
Theo đánh giá chung tại Hội nghị Đề án đã khẳng định vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc đối với đời sống xã hội và mỗi con người Việt Nam chúng ta. Cùng với đó, Đề án đã thu hút sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch triển khai đề án và tạo nên diện mạo mới cho hệ thống thư viện công cộng, đa ngành, chuyên ngành trong việc phục vụ nhu cầu đọc của người sử dụng, được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin; kinh phí cho phát triển thư viện.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà sơ kết 1 năm thực hiện Đề án. Ảnh: Việt Hùng
Tuy nhiên, đối với một số tỉnh còn nhiều khó khăn thì các chỉ số trong mục tiêu của đề án đặt ra khó đạt được đến năm 2020.
Tại Hội nghị, đại diện cá nhân cũng như một số tỉnh thành đã chia sẻ những cách làm hay, mô hình thiết thực để cổ vũ, nâng cao, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cũng như địa phương.
Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp tích cực của cá nhân, tập thể đối văn hóa đọc trong năm 2018, lần đầu tiên Bộ VHTTDL đã trao Giải phát triển văn hóa đọc cho 13 tập thể và 6 cá nhân. Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã đánh giá cao giải thưởng này vì không chỉ là sự ghi nhận mà còn có sức cổ vũ, động viên cho việc phát triển văn hóa đọc ở các thư viện trên cả nước ./.