(Tổ Quốc) - Giới yêu thích mỹ thuật Việt Nam sẽ lần đầu tiên có dịp chiêm ngưỡng một trong những bức tranh đẹp và quý hiếm của thi sĩ Bùi Giáng
Tại phiên đấu giá gây quỹ cho Quỹ Thiện Nhân và những người bạn diễn ra lúc 19g45 ngày 22/10 tại Gem Center (TP.HCM), giới yêu thích mỹ thuật Việt Nam sẽ lần đầu tiên có dịp chiêm ngưỡng một trong những bức tranh đẹp và quý hiếm của thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998).
Phiên đấu Thiện Nhân và những người bạn là sự kiện thiện nguyện, do Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân và những người bạn trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em.
Thi sĩ Bùi Giáng ghi “dấu ấn điên và phiêu bồng ngút ngàn” trong lịch sử thơ ca Việt Nam thế kỷ 20 |
Lịch sử thơ ca và tư tưởng thế kỷ 20 tại Việt Nam ghi “dấu ấn điên và phiêu bồng ngút ngàn” của Bùi Giáng. Có khi ông được ví với thi sĩ điên huyền thoại Gérard de Nerval (1808-1855) của Pháp, người có tập Sylvie (1853) được Bùi Giáng chuyển ngữ diễm tuyệt thành Mùi hương xuân sắc, in năm 1969 tại Sài Gòn.
Trước tác, dịch thuật và di cảo của ông để lại hơn 100 đầu sách. Trước năm 1975 tại miền Nam, cùng với Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn…, tên tuổi Bùi Giáng tạo nên một sức hút lớn với người hâm mộ.
Sinh thời, Bùi Giáng vẽ khá nhiều. Theo họa sĩ Phạm Cung (sinh năm 1932) thì phải lên đến hàng trăm bức. Thế nhưng do nhiều người nghĩ ông “điên vẽ bậy” và tâm hồn lạc điệu khi cảm nhận tranh của ông nên ít khi giữ lại. Họa sĩ Phạm Cung lưu giữ hơn 20 bức vẽ trong khoảng 1982 đến 1994, do giai đoạn này Bùi Giáng hay lui tới xưởng của Phạm Cung vẽ chơi.
Bức tranh Bùi Giáng đấu giá tại phiên Thiện Nhân và những người bạn cho thấy ý đồ nghệ thuật rõ ràng và bố cục hoàn thiện. Tác phẩm có tên Gửi đêm (mực tàu và gouache color trên giấy, 42 cm x 31,5 cm, 1992) với giá khởi điểm là 2.500 USD.
Khác biệt của phiên đấu Thiện Nhân và những người bạn ngày 22-10 là tất cả tác phẩm đều được chủ động tuyển lựa theo tiêu chí nghệ thuật và thước đo từ lòng ưu chuộng của giới sưu tập. Phiên đấu giá còn có kiệt tác Phố cổ Hà Nội của danh họa Bùi Xuân Phái (1920-1988) và các tác phẩm của Lê Kinh Tài, Đinh Thị Thắm Poong, Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Văn Đức, Lê Hào, Đào Xuân Tình, Nguyễn Ngọc Vũ…/.