(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên, hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về Giảng Võ trường - trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa, đặc biệt là toàn bộ bộ sưu tập vũ khí thời Lê – bảo vật quốc gia, được Bảo tàng Hà Nội giới thiệu đến công chúng.
- 20.11.2023 Tôn vinh các nghệ nhân đóng góp cho thực hành di sản văn hóa
- 20.11.2023 Quận Hoàn Kiếm hướng đến là quận sáng tạo với nhiều hoạt động thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị di sản
- 19.11.2023 Linh thiêng Đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa: “Đánh thức hệ giá trị di sản dọc bên bờ sông Hồng trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc”
Với chủ đề "Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê", triển lãm là 1 trong 3 chuyên đề đặc biệt được Bảo tàng Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023), thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các sáng kiến ra nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023.
Triển lãm đã giới thiệu đến với công chúng hơn 200 tài liệu hiện vật, trong đó điểm nhất là bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh gồm 111 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận công nhận Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/01/2023. Đây là bộ sưu tập hoàn chỉnh với đầy đủ các loại hình bạch khí và hỏa khí có niên đại thế kỷ XV - XVIII hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Qua đó, triển lãm cũng mong muốn giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chia sẻ về triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: Trong suốt hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã anh dũng chống lại nhiều kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc. Trong chiến tranh, con người là yếu tố quyết định, song vũ khí cũng đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu vũ khí nhằm góp phần tìm hiểu nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước của ông cha ta.
"Tuy nhiên, trong việc đào tạo nhân tài, đào tạo quan văn được ghi chép khá đầy đủ qua các thời đại cũng được chúng ta tham khảo qua sách Đăng khoa lục, hay qua văn bia tại các di tích Văn Miếu các tỉnh, thành. Song việc đào tạo về võ bị được ghi chép quá sơ lược và thiếu thốn nhiều. Các di tích đào tạo về võ ở Hà Nội như Giảng Võ Trường cũng đã được ghi từ thời Lê, nhưng đến nay tư liệu nghiên cứu về nó quá ít ỏi. Vì vậy, đặt ra cho những người làm khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu về vũ khí, cách dụng binh của một thời lịch sử là rất cần thiết và bộ sưu tập vũ khí khai quật được tại Giảng Võ Trường sẽ phần nào góp thêm nguồn tư liệu quý báu của lịch sử dân tộc. " – ông Nguyễn Tiến Đà nói.
Giảng Võ trường là trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của triều đình phong kiến. Đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (gồm: Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh- quận Ba Đình ngày nay), xưa được gọi là "Thập tam trại" đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn tập quân sự lớn. Nhiều cuộc luyện quân diễn võ quy mô lớn đã được tổ chức tại đây. Năm 1481, Lê Thánh Tông xây dựng Điện Giảng Võ với quy mô lớn. Mùa đông tháng 10, "Đào hồ Hải Trì. Hồ này quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện điểm duyệt binh mã".
Di tích điện Giảng Võ, sân điện Giảng Võ, các trường đấu võ, trường bắn... nằm trong khu vực gọi chung là trường Giảng Võ. Qua các di vật kiến trúc gốm, gỗ phát hiện được có thể khẳng định đây là một công trình có quy mô lớn, thể hiện về một trường võ bị quốc gia thời Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18).
Cố GS.TS Đỗ Văn Ninh, người từng trực tiếp tham gia khai quật, từng nhận định vũ khí trường Giảng Võ là một trong những bộ di vật hiếm quý vào bậc nhất so với tất cả phát hiện dưới lòng đất Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội. Phần lớn vũ khí có tên trong binh chế thời Lê, được Phan Huy Chú liệt kê trong Lịch triều hiến chương loại chí. Chúng có lẽ chủ yếu phục vụ đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.
Cũng trong dịp này, tại Bảo tàng Hà Nội còn có 2 trưng bày chuyên đề khác rất thú vị. Đó là trưng bày chuyên đề Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại nhằm tôn vinh làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, kết nối du lịch, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo. Đây là chuyên đề do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam tổ chức giới thiệu về 10 làng nghề tiêu biểu đại diện cho cho trên 1350 làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội, được thể hiện thông qua góc nhìn thiết kế sáng tạo của các bạn sinh viên đến từ 09 trường đại học của Việt Nam và 01 trường đại học đến từ Vương quốc Thái Lan.
Đặc biệt trong chuỗi trưng bày lần này, Bảo tàng đã ra mắt phục vụ công chúng trưng bày chuyên đề "Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch". Nội dung trưng bày giới thiệu gần 1200 tài liệu, hiện vật, được thể hiện với sự giao thoa giữa khoa học - lịch sử - tự nhiên và nghệ thuật khi chúng ta được chiêm nghiệm qua những thước phim, thưởng thức các tác phẩm hội họa và đặc biệt là những mẫu vật hóa thạch có niên đại hàng trăm triệu năm.
Ngoài ra, trong trưng bày còn có không gian trình chiếu 3D Mapping mô tả lịch sử hình thành Trái Đất bằng công nghệ 3D thực tế ảo, sống động, hấp dẫn người xem.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đà, những hoạt động trưng bày này nằm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Với việc tổ chức các trưng bày chuyên đề này, Bảo tàng Hà Nội không chỉ thể hiện vai trò là một không gian sáng tạo văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội mà còn hiện thực hóa các cam kết, sáng kiến của mình, đưa hoạt động sáng tạo vào mọi mặt trong đời sống./.