(Tổ Quốc) - Ngày 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tiến hành họp báo để công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017. Đặc biệt, trong báo cáo này, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành tổ chức điều tra về hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài.
Quang cảnh buổi họp báo |
Theo kết quả điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, trong năm 2016 có 1.740 doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài, trong đó có 1.687 doanh nghiệp chế biến, chế tạo về các nhóm hàng như: Dệt may; Giầy dép; Điện tử máy; Điện thoại và hàng hóa khác…
Năm 2016, tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài đạt 8,6 tỷ USD. Trong đó, phí gia công của hàng dệt may và giầy dép chiếm trọng số lớn nhất trong hoạt động gia công cho doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể ngành dệt may chiếm 48% tổng phí gia công, thu về 4,1 tỷ USD; giầy dép chiếm 32%, tổng phí gia công, thu về 2,7 tỷ USD; lắp ráp điện thoại chiếm 32%, thu về 268 triệu USD; lắp ráp điện tử máy tính chiếm 0,7%, thu về 63 triệu USD, hàng hóa dịch vụ khác chiếm 16,2%, thu về được 1,4 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm số lượng lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công…
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ cho biết, các đối tác chính đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công, lắp ráp hàng hóa trong năm 2016 là: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong đó Hàn Quốc là thị trường số một về việc đặt hàng gia công các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua hoạt động gia công, lắp ráp cho nước ngoài này các nhà quản lý và người lao động của chúng ta có được cơ hội học hỏi, tiếp thu những công nghệ sản xuất, quản lý tiên tiến, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Đánh giá về hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài thời gian qua, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho rằng, hiện nay, gia công là hình thức không thể thiếu vắng đối với những nước có trình độ mới phát triển như Việt Nam, đó là yếu tố tất yếu.
“Trong giai đoạn này chúng ta bắt buộc phải chấp nhận gia công, mặc dù giá trị mang lại của hoạt động này không cao. Nhưng có làm được như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra việc làm cho người lao động…”, ông Phạm Đình Thúy nói./.
Vi Phong