(Tổ Quốc) - Bảo vật Quốc gia – ấn phẩm“Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sẽ được giới thiệu đến công chúng.
Nhân kỷ niệm 90 năm xuất bản ấn phẩm “Đường Kách mệnh” (1927-2017), lần đầu tiên cuốn sách được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) được đưa ra giới thiệu trong trưng bày đặc biệt “Ánh sáng từ Đường Kách mệnh”. Triển lãm sẽ diễn ra vào đầu tháng 10.
“Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch. Những bản in đầu tiên được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930, cuốn “Đường Kách mệnh” hiện đang lưu giữ tại BTLSQG là một trong số ít những bản gốc in năm 1927 và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt đầu tiên năm 2012.
Đường Kách mệnh được giới thiệu đến công chúng |
"Đường Kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng. Qua đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết cách mạng Mác-Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất. Tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam cuối những năm 1920.Dưới ánh sáng của “Đường Kách mệnh”, lớp học trò đầu tiên đã về nước hoạt động cùng Người chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Đôi lọ độc bình đã được dùng để cất giấu tài liệu của Đảng từ nước ngoài chuyển về |
Cùng với Đường Kách mệnh, trong kho lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có một hiện vật khá ấn tượng và đẹp mắt. Đó là đôi lọ lục bình bằng gốm sứ Hoa lam của Trung Quốc. Nhìn đôi lọ lục bình, nhiều người sẽ dễ nghĩ nó là đồ dùng của tầng lớp giàu có trong xã hội phong kiến. Nhưng không, nó đã được dùng để cất giấu tài liệu của Đảng chuyển từ nước ngoài về Hải Phòng bằng đường biển vào năm 1932. Đây là một trong những kỷ vật mang đậm dấu ấn gắn liền với những hoạt động cách mạng trong thời kỳ bí mật của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.
Để mang được tài liệu về nước lúc đó rất khó khăn và nguy hiểm. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng với một số người yêu nước đã phải cải trang làm người buôn đồ cổ từ Hồng Kông, Trung Quốc về Việt Nam trên các chuyến tàu mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường làm việc và đã giấu những tài liệu bí mật của Đảng vào trong các bình cổ đưa về trong nước. Đây là đôi lọ mà cụ Quản Lan ở Hải Phòng nhờ đồng chí Nguyễn Lương Bằng mua cho và chính nó đã chứa bên trong rất nhiều tài liệu bí mật của Đảng. Lọ cao 79 cm đường kính miệng 29,5 cm, đường kính đáy 24 cm. Hiện bình bị vỡ 1/2 đường kính miệng lọ. Đáy lọ có bốn chữ “Cao Đà Phụng Sự" (Phụng sự ông thần làng Cao Đà) là do cụ Quản Lan nhờ đồng chí Nguyễn Lương Bằng đục khắc vào đó để cúng tiến vào đình làng Cao Đà sau khi nó đã làm tròn nhiệm vụ cất giấu tài liệu của Đảng chuyển về trong nước. Sau đó ít lâu (năm 1933), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã bị địch bắt.
Thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, năm 1935 của đồng chí Lê Hồng Phong |
Đôi lọ độc bình chính là kỷ vật thiêng liêng mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã để lại. Rất may mắn, trong nhiều năm, nó đã được lưu giữ an toàn trong đình làng Cao Đà, xã Nhân Mĩ, tỉnh Hà Nam và ngày 23/6/1980, đôi lọ độc bình này được bàn giao cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) bảo quản và lưu giữ như một di vật lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta thời kỳ trước và sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngoài cuốn Đường Kách mệnh và đôi lọ độc bình, hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trưng bày giới thiệu đến công chúng trong dịp này.
Luận cương chính trị sẽ được trưng bày dịp này |
Công chúng sẽ có dịp được chiêm ngưỡng chiếc Đèn tọa đăng của gia đình Ngô Gia Tự, kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ đã dùng trong cuộc họp tháng 9-1928 ở Từ Sơn, Bắc Ninh (năm 1927, Ngô Gia Tự tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, (Trung Quốc), sau đó được chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương).
Hay chiếc đồng hồ của Nguyễn Đức Cảnh dùng trong những năm 1928-1932. Năm 1927 Nguyễn Đức Cảnh dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc. Cuối 1927 về nước, được cử làm Bí thư tỉnh Đảng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Hải Phòng, sau đó vào kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách trực tiếp Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Tháng 3-1929, là một trong những người thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội.
Và Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú soạn thảo được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, tháng 10-1930.
Chiếc đèn tọa đăng của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự |
Cùng với chiếc áo gối của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai làm từ vải áo tù để gửi tặng mẹ trong thời gian bị giam ở Khám Lớn, Sài Gòn, năm 1940 và thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, năm 1935 của đồng chí Lê Hồng Phong.
Hay chiếc bật lửa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dùng trong thời gian hoạt động ở vùng Hoàng Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, năm 1944.
Chiếc áo gối của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai làm từ vải áo tù để gửi tặng mẹ trong thời gian bị giam ở Sài Gòn |
Những hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động của “những hạt giống đỏ” đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ươm mầm, gieo trồng cho cách mạng Việt Nam được triển lãm lần này sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết thêm về cống hiến to lớn của lớp thanh niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản ở Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn và phương pháp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, qua đó góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hôm nay./.