• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lần đầu tổ chức Lễ hội Hoàng mai Huế

Văn hoá 08/01/2023 15:32

(Tổ Quốc) - Ngày 8/1, Trung tâm Festival Huế cho biết, Lễ hội Hoàng mai Huế lần I - 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9/1 đến ngày 19/1 nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật của người Huế và thương hiệu Hoàng mai Huế trong dịp Tết đến Xuân về.

Mai vàng là loại hoa nổi tiếng của Việt Nam. Đối với Thừa Thiên Huế, mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là Hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế.

Với quyết tâm khôi phục và phát triển Hoàng mai Huế của chính quyền, sự đồng hành hưởng ứng của người dân, một số vườn mai vàng được quy hoạch, trồng đúng giống mai vàng Huế và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Tiếp nối những thành công đó, Lễ hội Hoàng mai Huế lần I - 2023 sẽ được Trung tâm Festival Huế phối hợp Hội Hoàng mai Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô và Trung tâm Công viên Cây xanh tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Hoàng mai Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Hoàng mai Việt Nam.

Lần đầu tổ chức Lễ hội Hoàng mai Huế - Ảnh 1.

Hoàng mai Huế.

Cụ thể, tại lễ hội sẽ có các hoạt động được tổ chức như: Cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp; Không gian triển lãm, trưng bày; không gian giao lưu và trao đổi; Không gian đấu giá.

Cuộc thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp với 2 nhóm: Hoàng mai loại lớn (dự kiến từ 70 tác phẩm) và Hoàng mai bonsai (từ 250 tác phẩm). Chương trình có sự góp mặt của các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố có phong trào trồng mai phát triển mạnh.

Đến với không gian triển lãm, trưng bày, người dân và du khách sẽ được thưởng ngoạn vườn Hoàng mai nở rực cả một góc trời tại công viên Thương Bạc, phía trước Kinh thành Huế cổ kính, tạo nên một điểm check-in thú vị, ngập tràn sắc xuân phục vụ người dân và du khách.

Không gian giao lưu và trao đổi là nơi các chuyên gia, nghệ nhân, những người yêu thích nghệ thuật Hoàng mai có dịp cọ sát, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp trồng, chăm sóc, cảm nhận về Hoàng mai qua cuộc thi và trưng bày. Mỗi đơn vị tham gia triển lãm cử ra một số nghệ nhân có tay nghề cao tham gia trình diễn trên cây phôi có sẵn của Ban tổ chức. Thông qua việc trình diễn tay nghề, các nghệ nhân sẽ có dịp giao lưu, trao đổi kỹ thuật trong tạo tác cây Hoàng mai.

Lần đầu tổ chức Lễ hội Hoàng mai Huế - Ảnh 2.

Nhiều cây hoàng mai đẹp sẽ góp mặt tại Lê hội Hoàng Mai Huế sắp đến.

Không gian đấu giá quy tụ những người chơi mai, các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn, người dân và du khách yêu Hoàng mai. Những tác phẩm Hoàng mai đẹp nhất được chọn đem bán đấu giá công khai, minh bạch. Quá trình buổi đấu giá diễn ra hứa hẹn là một trải nghiệm mới lạ và thú vị, người bán nhận được giá trị xứng đáng và người mua có được thứ mà mình yêu thích. Hoạt động giúp thúc đẩy giao thương, buôn bán, tăng hiệu quả kinh tế.

Chuỗi hoạt động của Lễ hội Hoàng mai Huế hứa hẹn là sân chơi ý nghĩa giúp khôi phục, phát triển truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân gắn với mô hình "Huế - thành phố bốn mùa hoa"; bảo tồn, lưu giữ, phát triển và hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại giống cây Hoàng mai Huế ở trong và ngoài nước; nâng cao vị thế của Hoàng mai trong dịp Tết cổ truyền, tạo tiền đề tổ chức định kỳ Lễ hội Hoàng mai trong những năm tiếp theo.

Được biết, hiện nay Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiến hành dự án Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hoàng mai Huế, đồng thời tiến hành đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây mai vàng Huế, nghiên cứu các quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh cho cây mai. Đặc biệt, sắp tới sẽ công bố quần thể mai vàng trên 100 tuổi, công bố các cây mai đầu dòng, các vườn giống mai vàng Huế đạt chuẩn, để phục vụ phát triển sản phẩm Hoàng mai Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, và là sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế có giá trị văn hóa và kinh tế cao.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ