• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lần đầu trưng bày hệ thống 18 bảo vật quốc gia

Văn hoá 10/01/2017 13:44

(Tổ Quốc) - Trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam” đã chính thức khai mạc sáng 10/1 tại Hà Nội. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã đến dự, cắt băng khai mạc Triển lãm.

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày có hệ thống 18 bảo vật quốc gia, trong đó có 2 bảo vật vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt tháng 12/2016, cùng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn với mỗi hiện vật.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao triển lãm "Bảo vật quốc gia Việt Nam" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức. Thứ trưởng khẳng định, các bảo vật quốc gia là gia sản quý của dân tộc. Việc tổ chức các triển lãm để giới thiệu di sản đến người dân là cần thiết để phát huy giá trị của di sản. Thứ trưởng mong muốn, Bảo tàng sẽ thường xuyên tổ chức những triển lãm có ý nghĩa như triển lãm "Bảo vật quốc gia Việt Nam".

Trong số 18 bảo vật được trưng bày lần này, có 2 bảo vật vừa được công nhận là: Ấn vàng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" và Thống gốm hoa nâu triều Trần.

Trong đó, ấn vàng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời Hoàng đế Gia Long (1802 - 1820) được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn. Mặc dù ấn đã lưu lạc rất nhiều nơi nhưng cuối cùng nhà Nguyễn vẫn tìm lại được và xem nó như báu vật của triều đại.

Thống gốm hoa nâu là di vật hiện vật độc đáo điển hình được phát hiện tại khu di tích đền Trần nằm tại thôn Tức Mạc, phường Lộc Vượng thành phố Nam Định vào năm 1972...

Thứ trưởng Lê Khánh Hải đề nghị Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thường xuyên có những triển lãm ý nghĩa để giới thiệu đến công chúng (ảnh Hồng Hà)

Các bảo vật được trưng bày lần này có: Trống đồng Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, Thạp Đào Thịnh; tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn; cây đèn hình người quỳ; mộ thuyền Việt Khê; bia Võ Cạnh; chuông chùa Vân Bản; ấn “Môn hạ sảnh ấn”; bình vẽ thiên nga; bia điện Nam Giao; trống Cảnh Thịnh; ấn “Sắc mệnh chi bảo”; tác phẩm “Nhật ký trong tù”, sách Đường Kách mệnh; bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”…

Ngoài những hiện vật được trưng bày trong phòng, có bia Bia điện Nam Giao - một trong những di vật có giá trị nhất còn sót lại  của Đàn Nam Giao Thăng Long được trưng bày ngoài trời do kích cỡ khá lớn. Bia điện Nam giao phản ánh  rõ nét ý nghĩa lịch sử điện Nam Giao và lễ tế Nam Giao ở Thăng Long, nghi lễ lớn nhất của các vương triều Lý – Trần – Lê để tế Trời – Đất cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cắt băng khai mạc triển lãm (ảnh Nam Nguyễn)

Một bảo vật khác là mộ thuyền Việt Khê cũng không trưng bày hiện vật chính do kích cỡ quá lớn; toàn bộ 170 đồ tùy tang đang được trưng bày tại Đức, do đó bảo vật này được giới thiệu đến công chúng bằng hình ảnh. Đây là mộ thuyền có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất, chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, là nguồn tài liệu nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống và lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.

Ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" bảo vật đặc trưng quyền lực của triều Nguyễn (ảnh Nam Nguyễn)

Ban tổ chức mong muốn thông qua 18 bảo vật quốc gia được trưng bày lần này cùng với những thông tin hấp dẫn sẽ giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, tư duy thẩm mĩ, sự sáng tạo cũng như bàn tay tài hoa, khéo léo của người Việt Nam. Từ đó, khích lệ lòng yêu nước, niềm tự dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa trong mỗi người dân Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham quan triển lãm (ảnh Hồng Hà)

Lần này, Ban tổ chức cũng trưng bày các tài liệu khoa học liên quan đến các bảo vật như: bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa…; ứng dụng công nghệ hiện đại trong trình chiếu, góp phần làm nổi bật hình ảnh, tôn vinh giá trị của từng bảo vật quốc gia. 

Trống đồng Hoàng Hạ - bảo vật được phát hiện năm 1893 (ảnh Nam Nguyễn)

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đón nhận mô hình hiện vật pháo do nhân dân làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) chế tác hiến tặng. Pháo làm bằng gỗ, đường kính 1,2m; dài 5,75 m; cao 3,47 m, được trang trí tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), chạm khắc tinh xảo, sơn son, thếp vàng. Đây là mô hình di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội làng Đồng Kỵ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương…

Trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam” diễn ra đến tháng 5/2017./.

 



Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ