• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làn gió mới từ các bảo tàng, di tích

05/02/2018 09:15

Hoạt động giới thiệu, trưng bày tại các bảo tàng, di tích đang ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách nhờ biết tận dụng thế mạnh công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nỗ lực này được ví như làn gió mới, giúp bảo tàng, di tích rút ngắn khoảng cách tiếp cận với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Hoạt động giới thiệu, trưng bày tại các bảo tàng, di tích đang ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách nhờ biết tận dụng thế mạnh công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nỗ lực này được ví như làn gió mới, giúp bảo tàng, di tích rút ngắn khoảng cách tiếp cận với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Những trải nghiệm thú vị

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa giới thiệu tới công chúng hệ thống bảng, biển chỉ dẫn đồng bộ cùng mô hình thuyết minh tự động với 8 ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Để trải nghiệm hình thức thuyết minh mới mẻ này, du khách chỉ cần đăng ký với phòng vé và sử dụng thiết bị đã được cài đặt sẵn nội dung, lựa chọn điểm cần thuyết minh trên đó.

Sau thao tác này, nội dung thuyết minh sẽ được truyền tải qua tai nghe, hỗ trợ du khách tìm hiểu thông tin mình quan tâm mà không làm ảnh hưởng đến lịch trình tham quan của những người xung quanh. Trước đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng khởi động hệ thống thuyết minh tương tự nhằm đem đến cho công chúng những trải nghiệm mới mẻ trong hành trình khám phá di sản.

Du khách tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Bá Hoạt)

Cũng trong thời gian này, Khu di tích Hoàng thành - Thăng Long cho ra mắt phần mềm ứng dụng thuyết minh, hướng dẫn tham quan trên điện thoại di động. Ứng dụng này cho phép khách tham quan tiếp cận thông tin miễn phí thông qua thao tác cài đặt ứng dụng từ kho ứng dụng App Store hoặc Goolge Play. Có ba hình thức cũng như ngôn ngữ thuyết minh để du khách lựa chọn, gồm văn bản, album ảnh và video; tiếng Anh, Nhật, Việt Nam. Dù còn khá mới mẻ song những hình thức giới thiệu này đã thu hút được sự chú ý cũng như cảm tình của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, sắp tới, ứng dụng nói trên sẽ được bổ sung thêm tiếng Pháp và tiếng Trung nhằm mở rộng đối tượng phục vụ.

Nguyễn Thanh Tùng, một nhân viên của ngân hàng Sacombank cho biết, công việc thường ngày rất bận rộn nên dù muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử nhưng anh vẫn thường phải “tự khất với bản thân” vì không thu xếp được thời gian. Nay, nhờ có công nghệ mới, anh Tùng đã có thể thỏa mãn niềm đam mê của mình, tìm hiểu tường tận những gì mình muốn mà không lo ảnh hưởng tới công việc.

Còn Ngô Thu Phương (sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) thổ lộ: Hình thức thuyết minh mới mang lại cảm giác thoải mái, tiện dụng hơn rất nhiều so với hình thức thuyết minh truyền thống vốn phụ thuộc vào một hành trình được hướng dẫn viên lập sẵn cũng như nhóm cùng tham gia. Không chỉ vậy, bằng những hình ảnh sống động cùng giọng thuyết minh truyền cảm, khả năng giải đáp cơ bản thắc mắc của công chúng về tài liệu, hiện vật cũng khiến người tiếp cận ứng dụng này cảm thấy hài lòng, những câu chuyện về di sản trở nên cuốn hút hơn.

Đưa di sản tới gần công chúng

Không chỉ có Ban Quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tỏ ra “thức thời” trong hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản, trước đó, đã có rất nhiều bảo tàng, di tích mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động nghiệp vụ nhằm giúp du khách có thêm cơ hội tương tác, khám phá nét độc đáo của hiện vật, tài liệu mà di tích, bảo tàng đang sở hữu.

Có thể kể đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia với mô hình bảo tàng 3D tương tác với phòng trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam; Nhà hát Lớn Hà Nội với hành trình tham quan ảo di sản kiến trúc tiêu biểu của Pháp tại Đông Dương; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở rộng thông tin thuyết minh, tăng tính trải nghiệm, tương tác với ứng dụng video minh họa tại không gian trưng bày…

Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt, đơn vị thực hiện mô hình bảo tàng 3D cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo tàng, di tích đang là xu thế tất yếu, góp phần tạo thêm kênh đối thoại hữu dụng, hấp dẫn giữa bảo tàng và công chúng, giữa bảo tàng và các nhà khoa học. Sức hấp dẫn của nó không chỉ đến từ việc cung cấp tri thức về quá khứ, mà còn ở khả năng cho phép khách tham quan trở thành một thành viên tham gia câu chuyện quá khứ.

Đồng tình với ý kiến nói trên, Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL) nhận xét: Sự chuyển biến trong việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ ở nhiều bảo tàng, di tích là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những ứng dụng bước đầu, mang tính thử nghiệm. Các bảo tàng, di tích cần chủ động, kịp thời cập nhật, khai thác một cách hiệu quả kênh chuyển tải thông điệp quan trọng của thời đại mới, đưa bảo tàng, di tích ngày càng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ - nhóm công chúng quan trọng của bảo tàng, di tích.

Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Phạm Văn Dương góp ý: Ứng dụng công nghệ hiện đại vào không gian lịch sử xưa cũ mang lại hiệu quả không thể phủ nhận, tuy nhiên, yếu tố then chốt duy trì sự phát triển bền vững của bảo tàng, di tích vẫn là chất lượng hiện vật và công tác phục vụ. Làm tốt công tác này, lại có thêm sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại giới thiệu, quảng bá di sản sẽ góp phần biến bảo tàng, di tích thành điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.

Theo Hà Nội mới


NỔI BẬT TRANG CHỦ