(Tổ Quốc) - Chiều ngày 28/10/2024, Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức Tọa đàm về giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, điều hành sát sao.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Thu Phong – Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, duy trì các tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động thực nhiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ, đẩy mạnh giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Ước đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 355.616,1 tỷ đồng mới được “hấp thụ” vào xã hội. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đặc biệt, để đưa nguồn vốn đầu tư công đi nhanh vào trong xã hội, giúp thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã thực hiện kịp thời công tác kiểm tra phân bổ vốn chi tiết của các bộ, ngành, địa phương. Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết, sau đó cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định...
Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công được giao và nỗ lực triển khai các giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm với kỳ vọng đưa nhanh nguồn vốn vào trong xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế của cả nước nói chung.
Ông Phạm Thu Phong cũng cho biết, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, với những kết quả nổi bật trong quý III và 9 tháng năm 2024, trong đó tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%.
Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.
Tuy nhiên, bên cạnh những lĩnh vực đạt kết quả tích cực thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 10 mới đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 355.616,1 tỷ đồng mới được “hấp thụ” vào xã hội. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các bộ ngành, địa phương cùng trao đổi, thảo luận về các giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công; đúc kết, lan tỏa những kinh nghiệm quý, bài học hay trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được kỳ vọng đặt ra nhưng dòng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế trong thời gian qua góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng GDP.
Bên cạnh những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (cao hơn cả mức bình quân chung của cả nước), vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Điều đáng nói ở đây là cùng một cơ chế chính sách, cùng các khó khăn, vướng mắc như nhau, nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt; có bộ, ngành, địa phương giải ngân chưa tốt.
Mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ tối thiểu 95%. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi còn một lượng vốn rất lớn cần được giải ngân…
“Do đó, Tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các bộ ngành, địa phương cùng trao đổi, thảo luận về các giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công; đúc kết, lan tỏa những kinh nghiệm quý, bài học hay trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra” - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh.