(Tổ Quốc) - Chiều 14/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022 đã diễn ra tọa đàm "Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn". Tại đây, nhiều câu chuyện nhân văn có sức lan tỏa đã được nhiều nhà báo chia sẻ.
Nhắc tới nhà báo Thu Uyên nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly – nơi mà mọi người có thể tìm lại người ruột thịt thân yêu của mình sau những biến cố cuộc đời một cách kỳ diệu như có phép màu. Chị Thu Uyên cho rằng được làm báo song song với làm thiện nguyện là một may mắn của mình. Nếu báo chí là ca ngợi cái đẹp và phê phán cái xấu thì thiện nguyện chính là hướng đến cái đẹp. Sau nhiều năm làm Như chưa hề có cuộc chia ly dù đã về hưu, hoặc có những lúc kinh phí không còn để duy trì tiếp nữa nhưng bằng sự gắn kết của các đồng nghiệp cũng như cơ quan báo chí thì chương trình nhân văn này đã được tiếp tục.
Thông tin mà chúng tôi đã sàng lọc được là có hơn 80.000 nỗi đau, nhưng đến giờ chúng tôi mới chỉ giải quyết và tìm ra được hơn 2.600 nỗi đau. Còn rất nhiều hoàn cảnh, câu chuyện mà chúng tôi vẫn đang trên hành trình đi tìm. Tôi nhận được nhiều thứ, hiểu được những bất trắc, đau khổ trong cuộc đời là như thế nào. Bên cạnh đó, tôi cũng ý thức được rõ hơn giá trị của hạnh phúc, của giọt nước mắt - nhà báo Thu Uyên chia sẻ.
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đoàn trưởng Đoàn thiện nguyện Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, đã có nhiều hoạt động thiện nguyện tại các bệnh viện, các nhà tình thương và các khu vực vùng sâu, vùng xa. Ngay cả khi đã về hưu rồi thì công việc thiện nguyện vẫn tiếp tục được thực hiện. Mới đầu, chỉ có khoảng chục nhà báo nữ, nhưng sau này có nhiều người, trong đó, có cả gia đình người thân các nhà báo tham gia, đến nay đã có khoảng 300 thành viên chính thức. Nhờ sự hỗ trợ của truyền thông, báo chí, mạng xã hội, hoạt động thiện nguyện càng có sức lan tỏa hơn
Nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Phụ nữ mới, người đã nhiều năm bền bỉ với các hoạt động tiếp sức xóm chạy thận chia sẻ về quá trình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở xóm chạy thận Ngọc Hồi. Địa chỉ "Những hạt mầm xanh" trên FB quy tụ rất nhiều đồng nghiệp và cộng đồng thường xuyên mua rau mầm, trở thành khách hàng quen thân của xóm chạy thận Ngọc Hồi. Chị cũng là người tiếp sức cho nhiều các dự án thiện nguyện dành cho trẻ em khó khăn như xây dựng con đường để các em đến trường thuận lợi. Để làm được điều đó chị "suốt ngày phải đi xin tiền", xin từng giờ máy xúc trị giá vài trăm nghìn đồng. Cuối cùng từng km đường cũng hoàn thành và trải dài 20 km suốt 4 năm trời.
Nhắc đến dự án Trao oxi – Trao sự sống phải kể đến nhà báo Hoàng Anh - Báo Đại biểu Nhân dân, sáng lập viên và điều phối viên dự án này. Dự án thiện nguyện do một số nhà báo, kiến trúc sư, họa sỹ, doanh nhân tại TP. Hồ Chí Minh tham gia với hơn 100 tình nguyện viên. đã cung cấp bình oxi cho các khoa cấp cứu bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung và chữa bệnh nhân mắc Covid-19.
Nhà báo Trần Mai Anh - người phụ nữ nổi tiếng với câu nói: "Cổ tích sinh ra từ lòng người" nguyên Trưởng ban biên tập Tạp chí Heritage - người đã có nhiều hoạt động thiện nguyện nổi bật, đặc biệt là Hành trình Thiện Nhân với nhiều câu chuyện cảm động. Chị đã được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi và là Công dân Ưu tú Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Xúc động và cảm phục trước những câu chuyện được các đồng nghiệp chia sẻ, nhà báo Mai Anh cho rằng đó là sự can đảm. Chị cũng cho rằng hoạt động thiện nguyện cần sự kết nối, hỗ trợ và sự lan tỏa của báo chí
Nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ sự cảm phục với những tấm lòng và việc làm cao cả của các nhà báo trong thời gian qua. Dù các nữ nhà báo cho rằng những việc làm của mình còn rất nhỏ bé, nhưng Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng nó rất lớn lao, có ý nghĩa. Có lẽ vì là phụ nữ nên dễ chia sẻ, cảm thông trong một hành trình bền bỉ với những mảnh đời. Không chỉ có những bài viết phản ánh, ca ngợi tôn vinh những câu chuyện nhân văn, tử tế trong xã hội, các nhà báo còn trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những vùng khó khăn góp phần tuyên truyền và lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn trong xã hội. Việc làm thiện nguyện của các nhà báo đã góp phần làm cho hình ảnh người làm báo Việt Nam trở nên đẹp hơn hơn trong xã hội.
Cũng tại tọa đàm, nhà báo Hoàng Anh với công việc mang oxi đến bệnh viện, trao sự sống cho những F0 đầy rủi ro đã khiến không ít người đặt câu hỏi chị có sợ chết không, có sợ trở thành F0 không? Nữ nhà báo lặng người và thành thật trả lời mình có sợ chết, có sợ trở thành F0, bởi thời điểm đó dịch bệnh rất căng thẳng, nhiều ca bệnh nặng. Nhưng chỉ cần nhìn những người bệnh vừa mới tím tái, khi có oxi, chỉ 15 phút sau hồng hào, chiều đã ăn được cháo thấy kỳ diệu lắm, và nhận ra mình không sợ chết nữa. Câu chuyện rất đỗi đời thường này khiến nhiều người thấy ấm áp trong hành trình thiện nguyện.
Các nhà báo tin tưởng việc làm thiện nguyện này sẽ tiếp tục lan tỏa bằng nhiều cách. Bằng nghề nghiệp và tấm lòng các nhà báo, cùng chung tay, góp sức để lan tỏa những điều tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Cùng với đó, tiếp nối trong hành trình thiện nguyện nhân văn và ý nghĩa này sẽ có sự chung sức, đầy nhiệt huyết từ các nhà báo trẻ hôm nay.