(Tổ Quốc) - Những ngày cuối năm, làng bánh tráng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những chiếc bánh cong, tròn, dậy mùi thơm của gạo, của vừng đã được hoàn thiện để đưa đến tay người dùng chuẩn bị đón Tết.
Nhộn nhịp vụ Tết
Chúng tôi ghé làng Tân An, (hay còn gọi là Ba Phường) ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) vào những ngày giáp Tết, nơi được xem là thủ phủ của hai nghề bún và bánh tráng truyền thống nức tiếng Quảng Bình. Vào những ngày này, không khí trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, những chiếc bánh cong tròn, dậy mùi thơm của gạo và vừng đã được hoàn thiện để giao cho khách.
Làng Tân An nằm cách thị xã Ba Đồn khoảng 4km về phía tây, nằm nép mình bên dòng sông Gianh lịch sử. Tân An xưa có tên gọi là Ba Phường (hay phường Lộc Điền) cũng có khi gọi là phường bún bánh. Phần lớn người dân nơi đây đều gắn bó với nghề bún bánh, không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì cả thương hiệu của làng "bánh tráng Tân An".
Cụ Võ Thị Điều đã gắn bó với nghề làm bánh tráng 65 năm nay. |
Trước đây trong làng vừa làm bánh tráng, bánh ướt, bún và cả bánh chưng. Nhưng sau thời gian dài đã chuyển hẳn sang làm bánh tráng và sản phẩm đặc biệt nhất của làng là bánh tráng mè xát.
Cụ Võ Thị Điều (78 tuổi), một trong những hộ gia đình có nghề bánh tráng thâm niên ở Tân An cho biết, cụ đã gắn liền với nghề này 65 năm nay. Cụ có 7 người con thì cả 7 đều theo nghiệp làm bánh tráng.
Dịp tết hàng nhiều hơn ngày thường, vì vậy cứ đến tháng cuối năm là làng lại tất bật, khẩn trương làm bánh cho vụ lớn nhất trong năm.
Theo bà Điều, để làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất giản đơn nhưng các nghệ nhân làm bánh đã phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ.
Nguyên liệu chính để làm bánh là loại gạo ngon, được ngâm trong nước và sàng lọc, vo kỹ trước khi đem xay nhuyễn thành bột. Và công đoạn khó nhất để cho ra đời một chiếc bánh là công đoạn tráng bánh.
Người Tân An gắn bó với nghề bún bánh không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì cả thương hiệu của làng "bánh tráng Tân An". |
Bánh được tráng xong cũng chỉ mới thành công phân nữa, công đoạn phơi bánh cũng không kém phần quan trọng. Bánh đủ nắng là loại bánh vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của vừng. Bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản.
“Nghề này chúng tôi làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Ngày thường, gia đình tôi chỉ làm 5 yến gạo, nhưng Tết khách đặt nhiều, có khi làm cả tạ gạo mà cung cấp không đủ”, bà Điều nói.
Gắn bó vì thương hiệu “bánh tráng Tân An”
Cụ Nguyễn Thế Quyền (79 tuổi, một bậc cao niên ở thôn Tân An) cho hay, cụ không nhớ nghề bánh tráng của làng có từ khi nào, chỉ nhớ lúc cụ lên 15 tuổi thì đã được truyền nghề và chỉ dạy cách làm bánh.
Theo cụ Quyền, người Tân An ban đầu chế biến bánh tráng với mục đích khoe khéo tay nghề, trao đổi thực phẩm cho xóm giềng mà bản thân tự tay làm ra, rồi làm quà biếu. Sau đó, với đặc tính thơm giòn, ăn ngon nên được nhiều người biết tới.
Phơi bánh cũng phải khéo léo, bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản. |
Nắm bắt được thị trường, người làm bánh tráng thành thạo được người thân truyền nghề đã từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường.
Từ gạo và mè xát, bánh tráng Tân An với hương vị đặc trưng đã tạo nên thương hiệu của một làng nghề truyền thống lâu đời.
“Dù công đoạn chế biến hơi lâu, nhưng bánh tráng Tân An dù được phơi khô vẫn giữ được độ dai, dòn vừa phải chứ không dẻo dù để hàng tháng. Nhờ thế mà nhiều năm trở lại đây, đi đâu cũng phảng phất hương vị thơm ngon của bánh tráng. Không chỉ ở trong tỉnh mà hiện tại bánh tráng Tân An đã có mặt khắp thị trường các tỉnh miền Trung và cả nước bạn Lào, Thái Lan…”, cụ Quyền cho biết thêm.
Làng Tân An hiện có 320 hộ dân thì có tới hơn 200 hộ theo nghề làm bánh tráng. Họ gắn bó với nghề không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì cả thương hiệu “bánh tráng Tân An”.
Nghề bánh tráng truyền thống từ lâu đời này đã góp phần giữ lại di sản của người Tân An, dọc quanh ngôi làng đều có mùi vị của bánh. ,
Khắp làng ngõ xóm đều có hương vị bánh tráng mè xát. |
Ông Ngô Trọng Bình,Trưởng thôn Tân An cho biết, bánh tráng Tân An ra đời vào khoảng những năm 1900. Loại bánh này là biến thể khéo léo từ chiếc bánh tráng, thường gọi là bánh đa.
Bánh có mặt từ thuở khai canh, lập làng, bởi một ông tổ nghề người Hà Tĩnh mang theo cả vợ con, người thân vào làng Tân An để sinh sống, lập nghiệp.
“Chuyện nghề bún, nghề bánh tráng ở đây có bước tiến nhảy vọt như bây giờ là điều người Tân An không bao giờ dám nghĩ đến”, ông Bình phấn khởi nói.
Để phát triển thương hiệu của bánh tráng Tân An, tháng 10/2010, bà Phan Thị Cẩm Tú, một người làng Tân An đã đứng ra thành lập hợp tác xã Bánh mè xát Tân An với mục đích đưa thương hiệu bánh tráng của làng đi xa hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân Tân An.
Bà Tú cho biết: “Sau 7 năm đi vào hoạt động, mặc dù thị trường tiêu thụ đã mở rộng hơn nhưng so với trước đây các hộ vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra và tiếp thị. Ngoài ra HTX còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất, chưa có đất quy hoạch để làm sân phơi, kho chứa…”.
Hải Thanh - Phúc An