• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng cổ Đường Lâm – Nơi lưu giữ sắc màu thời gian

16/04/2012 09:56

(Cinet) – Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), hiện còn tới 956 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh....

(Cinet) – Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), hiện còn tới 956 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh....

Nét đặc sắc nơi đây là những ngôi nhà gỗ, với tường xây bằng đá ong, nằm quanh co bên con đường làng được lát gạch nghiêng. Trải qua bao thăng trầm, Đường Lâm vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen...

Không chỉ nổi danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt "Một ấp 2 vua" lưu danh sử sách mà chúng ta còn biết đến một Đường Lâm bảo tồn, phát huy được những vốn cổ về những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Với giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể to lớn lại hội tụ và nằm trong một quần thể với cuộc sống của dân cư, sinh hoạt cộng đồng, sản xuất, dịch vụ thương mại nhỏ... cái tên Đường Lâm - di tích cấp quốc gia không phải chỉ mới biết đến khi nó được khoác trên mình cái thương hiệu mới, mà đã có quãng thời gian dài trước đó nơi ấy đã được rất nhiều người để mắt tới. Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006.

Nếu như phố cổ Hà Nội có lịch sử ra đời, phát triển, gắn liền với những thăng trầm, biến cố, hưng thịnh của Thăng Long - Đông Đô, kinh thành của nước Đại Việt xưa; Hội An - Quảng Nam cũng là một thương cảng sầm uất của xứ Đàng trong bị trị vì của nhiều đời chúa Nguyễn.

Hai nơi ấy mang trong mình nét đặc trưng của thương mại, đại diện cho tầng lớp vua, chúa, quan lại, quý tộc phong kiến, tiểu thương và những nét văn hóa pha trộn một mặt nào đó tính ngoại bang như của người Nhật, Hoa, Mã Lai, Pháp.

 

Thì Làng cổ Đường Lâm với cái tên đã rất quen thuộc mà các sử gia hay gọi từ lâu "Làng Việt cổ", "Làng cổ đá o­ng" lại mang trong mình tất cả những nét đặc trưng, điển hình, tiêu biểu của làng quê, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, khu vực Đồng bằng Bắc bộ - Châu thổ sông Hồng. Làng cổ Đường Lâm vẫn còn nguyên vẹn những thuần phong mỹ tục, cuộc sống đậm đặc chất nông thôn - nông nghiệp, cảnh quan môi trường ngôn ngữ giao tiếp... Trong ca dao, tục ngữ, văn học dân gian Việt Nam có những gì đẹp đẽ, thân thương nhất của thôn quê xưa thì Làng cổ Đường Lâm là những bức tranh hội tụ đầy đủ những nơi ấy như: Lũy tre, cánh đồng, cánh cò, cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng, ngõ, xóm, hàng cau, cây rơm...

Trong xu thế mở cửa hội nhập, hẳn mọi làng quê, xóm, thôn cũng đi theo với tốc độ không phải là chậm của cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Nhưng Đường Lâm vẫn giữ được những giá trị vô giá vốn có do chính các thế hệ người ở đây sản sinh ra.

 

Cổng làng.

Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với nhiều di tích kiến trúc đẹp như cổng làng Mông Phụ, đình Đông Sàng, đình Đoài Giáp, cầu Cam Lâm, chùa Mía... và đặc biệt là những ngôi nhà cổ tiêu biểu, với vòm cổng và tường xây bằng đá ong. Người dân quanh vùng gọi quen là “làng Việt cổ đá ong” cũng bởi đặc trưng này. Khuôn cổng cổ kính đã có từ mấy trăm năm, cây đa cổ thụ và bến nước đậm chất Bắc bộ... cũng góp phần tạo cho Đường Lâm vẻ rêu phong hiếm có, không giống với những làng Việt khác.

Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, đồi. Hệ thống đường xá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương . Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh.

 

Đình Mông Phụ.

Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông). Ngồi đình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt - Mường (Đình có sàn gỗ), có thể nói đây là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc những nét tài hoa có một không hai ấy còn được lưu giữ trên những bức trạm cốn và đầu dư.. Tinh vi trong từng nhát đục, song cũng cực kỳ tinh tế trong quy hoạch tổng thể mang tính vĩ mô. Giai thoại xưa kể rằng: Đình Mông phụ đặt trên đầu một con rồng mà giếng làng là hai mắt, sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, có vẻ như là một nghịch lý so với kiến trúc hiện đại, song thực ra đó lại là một dụng ý của người xưa. Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào (Nước chảy chỗ trũng), phải chăng đó là một khát vọng về một đời sống ấm no! Sau đó nước từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình (Chống thủy lôi tâm), từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật lại vừa ảo, quả thật là một ý tưởng hết sức lãng mạn của các kiến trúc sư cổ... Trước cửa đình là một cái sân rộng, sân này là nơi biểu diễn các trò khi làng vào đám (Hội làng). Không chỉ là như thế, sân này còn là một cái "ngã sáu" khổng lồ, xoè ra như những cánh hoa, rồi quy tụ mọi con đường trong làng về trung tâm. Có điều rất đặc biệt, từ đình có thể đi đến bất cứ xóm nào trong làng cũng không ai phải trực liếp quay lưng lại với hướng đình. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thu lợn thờ, thi thờ...

 

Nhà cổ xây bằng đá ong là nét đặc trưng của Đường Lâm.

Về nhà cổ, ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Cò nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850...). Trong đó, làng Mông Phụ là nơi lưu giữ được nhiều nét cổ kính nhất với khoảng 45 nhà cổ có niên đại trên 100-200 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ này phần lớn có khuôn viên riêng và đều không quay mặt thẳng ra đường. Nhà nào cũng xây tường bao, cửa mở ra đường được trổ từ những bức tường bao. Vì thế, khi du khách đi dạo trong các làng cổ có cảm giác như đi giữa 2 bức tường bao của những ngôi nhà phân bố dọc 2 bên đường.

Theo thống kê, hiện tại có 16 di tích như đền và lăng Ngô Quyền, đền Phùng Hưng, chùa Mía, đình Mông Phụ, đình Đoài Giáp, đình Cam Thịnh, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh... Ngoài ra còn là những vùng Hùm, đồi Hổ Gầm, đồi Sà Mâu, giếng Ngọc, rặng duối buộc voi... nơi anh em Phùng Hưng và Phùng Hải đánh hổ, tập trận; những rộc sâu mà theo tục truyền lại là hồ sen nơi Ngô Quyền thường vui chơi tập trận thuở thiếu thời...  Chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào loại đặc biệt. Chùa có 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất (làm từ đất sét, thân và rễ cây si).

Song song với việc giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể, hàng trăm năm nay người dân Đường Lâm đã bảo lưu được một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng, phong phú.

Các chứng tích văn tự cổ ghi chép thần phả của làng, gia phả các dòng họ, gia đình cùng với bia ký, hoành phi câu đối, các truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân cư hết sức phong phú nói về mảnh đất, con người Đường Lâm qua các thời kỳ lịch sử vẫn được lưu giữ tại Đường Lâm. Nếu đến đúng dịp, chúng ta sẽ được tham dự các lễ hội đình, đền, chùa và hòa mình vào các hoạt động của mỗi dòng họ, phường hội, phe giáp, các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian, các nghi lễ hội cá, tế gà, trò chơi bắt vịt, đánh đu, hát nhà trò, rước đền, cờ người, chọi gà... đậm chất văn hóa đại diện cho làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trải qua bao thăng trầm, giữa vòng xoáy hối hả của thời hiện đại, dù không còn nguyên vẹn nhưng hiện nay, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết những nét kiến trúc đặc trưng cơ bản của ngôi làng Việt. Đến Đường Lâm, người ta thực sự ấn tượng và không khỏi ngỡ ngàng bởi mảnh đất “Hai Vua” này còn lưu giữ được những sắc màu thời gian, với một thế giới ẩn chứa nhiều điều bí ẩn dần được hé mở.

TH

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

NỔI BẬT TRANG CHỦ