(Toquoc)- Là một làng cổ hiếm hoi còn lưu giữ nhiều nếp nhà mang đặc trưng kiến trúc của vùng cố đô song Phước Tích vẫn chưa là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi tới Huế.
(Toquoc)- Là một làng cổ hiếm hoi còn lưu giữ nhiều nếp nhà mang đặc trưng kiến trúc của vùng cố đô song Phước Tích vẫn chưa là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi tới Huế.
Sau 3 kỳ Festival, kể từ năm 2008, khi Huế lần đầu tiên đưa Phước Tích vào chuỗi các hoạt động văn hóa nhằm quảng bá, thu hút du khách tới làng cổ Phước Tích, dường như mọi việc chưa thay đổi là bao. Làng vẫn vắng vẻ, lặng lẽ những nếp nhà. Đường làng vẫn chưa có điện. Chỉ có con đường làng bằng đất đã được xếp gạch. Xem ra, nỗ lực để tìm hướng đi nhằm thu hút du khách tới làng cổ vẫn lắm gian nan.
Còn không hương xưa, làng cổ?
Cùng với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là ngôi làng cổ thứ hai được công nhận là Làng di sản quốc gia. Nhưng khác với Đường Lâm còn có những ngôi nhà hiện đại xen kẽ thì hầu như, Phước Tích còn giữ được vẻ nguyên sơ với những ngôi nhà, hàng cau, bờ rào bằng cây xanh…tuyệt đẹp. Hiện Phước Tích có 36 ngôi nhà cổ trong đó có 12 nhà thờ họ và 24 nhà ở của dân đều có tuổi trung bình trên 100 năm tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, nhiều nhà cổ đang xuống cấp cần đầu tư.
Theo ông Văn Công Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “ Trong 36 ngôi nhà có 10 ngôi nhà xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cái khó chính là kinh phí để trùng tu các ngôi nhà này, dù đã rất nỗ lực, kinh phí mà chúng tôi có hiện chỉ đủ để sửa 5 ngôi nhà”.
Sở hữu lợi thế riêng biệt, nhưng Làng cổ Phước Tích vẫn còn loay hoay, chưa tìm được hướng phát triển cho du lịch
Ngôi nhà cổ bậc nhất làng Phước Tích là của ông Lương Thanh Phong. Cùng với thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp nhiều. Các rui, mè đã hư hỏng, tường, mái đã lở… Sau nhiều cuộc họp, ngôi nhà của ông được xếp vào danh sách được đầu tư tu sửa với kinh phí 400 triệu đồng từ chương trình hành động quốc gia. Để được trùng tu, gia đình ông phải đóng 30% vốn đối ứng, tương đương với 120 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình ông không lo nổi kinh phí nên đến nay ngôi nhà cổ vẫn chưa được tu bổ.
Còn nhà của bà cụ Héng thì phải phủ bạt, bỏ hoang vì đang tu bổ thì hết kinh phí.
Một trong những “hồn” làng cũng đã mai một từ lâu. Đó là nghề gốm Phước Tích. Gốm Phước Tích từ thế kỷ 18- 19 được xem là cực thịnh. Con sông Ô Lâu bao bọc làng lúc bấy giờ luôn tấp nập tàu thuyền đưa các sản phẩm gốm đi đến nhiều vùng miền. Còn bây giờ, làng gốm đìu hiu.
Do không có đất sản xuất nông nghiệp, làng Phước Tích đang rơi vào tình trạng “già hóa” dân số. Những người trưởng thành đều bỏ làng đi xa làm ăn, trong 320 người dân sống tại làng thì quá nửa là trên 50 tuổi. Đó là một trong những yếu tố khiến rất nhiều dự án nhằm làm sống lại làng Phước Tích gặp khó khăn.
Khôi phục nghề gốm mới dừng ở việc “biểu diễn" cho du khách xem
Tháng 8/2011, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã khởi động chương trình phục hồi nghề gốm cổ truyền của làng này. Chương trình do chuyên gia gốm hàng đầu của Nhật Bản- ông Mizokami Yoshihiro hướng dẫn. Hơn 20 người dân Phước Tích, phần lớn là các nghệ nhân lớn tuổi đã tham gia chương trình. Mục tiêu nhằm giúp người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống. Đặc biệt, dự án sẽ giúp khôi phục nghề gốm nhằm cải thiện thu nhập cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm để níu chân thế hệ trẻ ở lại làng. Tuy nhiên, từ ấy đến nay, mới chỉ 2 lần lò gốm đỏ lửa, thực hiện dưới dạng “biểu diễn” cho du khách đến xem. Đặc biệt, lực lượng tham gia sản xuất vẫn chỉ là những người cao tuổi, khiến hoạt động phục hồi làng gốm vẫn chỉ dừng ở mục tiêu “biểu diễn” cho khách du lịch chứ chưa thể là “ngành nghề kinh doanh, đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, thu hút dòng lao động trẻ quay về làng, làm sống lại làng” như ông Văn Công Bình chia sẻ.
Người dân e dè với du lịch
Với tiềm năng riêng biệt không có đối thủ cạnh tranh của một làng di sản nhưng đến nay, việc đưa du khách về Phước Tích vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Làng có vị trí đẹp, ba mặt được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu, hệ thống nhà cổ đạt đến trình độ mỹ thuật cao. Cảnh sắc thanh bình, hài hòa, đặc biệt phù hợp với du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê từ tổ chức JICA (năm 2011) mỗi năm chỉ có khoảng 100 du khách đến tham quan Phước Tích. Đây là một con số quá khiêm tốn và đáng tiếc với một di sản văn hóa đặc biệt như Phước Tích.
Nhà cổ trùng tu dang dở vì thiếu kinh phí
Tháng 9/2011, Ban quản lý Làng cổ Phước Tích được thành lập. Với 6 nhân viên, Ban quản lý có thêm lực lượng hướng dẫn viên tại chỗ phục vụ cho du khách. Nhưng trong 24 nhà ở cổ của người dân, chỉ có hai nhà đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng và đồng ý phục vụ du lịch homestay. Song người dân còn khá e dè với việc làm này.
Ông Nguyễn Thế- Trưởng Ban quản lý Làng cổ Phước Tích cho biết: “Cái khó là nhân lực trong các gia đình không có. Huyện có chủ trương hợp đồng thêm một số hướng dẫn viên du lịch hỗ trợ nhưng họ còn đắn đo, không muốn người lạ vào nhà. Người dân còn thụ động, họ muốn nhìn xem du lịch sẽ đem lại điều gì, nguồn lợi như thế nào rồi họ mới làm”.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Du lịch Việt - Pháp, đơn vị ba năm nay đầu tư dịch vụ homestay tại Phước Tích bày tỏ: “Một trong những cái khó khi đưa khách về Phước Tích là vấn đề vận chuyển. Quãng đường vận chuyển 50 km từ Huế về Phước Tích đội giá tour lên cao, rất khó bố trí đối với khách lẻ”.
Nhiều khó khăn khác cũng được bà Tuyết liệt kê như hệ thống nhà cổ tại làng hiện chỉ có hai nhà được tu bổ, tôn tạo đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khách; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; du khách không dám ra đường ban đêm vì không có đèn điện. Đặc biệt, mùa mưa, đường vào làng rất lầy lội, khách có khi phải dùng túi nylon quấn giày chống lầy. Riêng nghề gốm, vốn là linh hồn của làng nhưng không đỏ lửa thường xuyên nên công ty không dám đưa vào tour.
Một cái khó khác là sự “lão hóa” dân số tại làng khiến cho làng chỉ có người già. Nhiều du khách yêu cầu đến tham quan một gia đình có ba thế hệ chung sống tại làng nhưng không đáp ứng được... Với thực tế này, các công ty du lịch chỉ khai thác được khách đoàn và cũng chỉ năm thì mười họa mới có.
Riêng dịch vụ về đêm, phía JICA đã thử nghiệm “Lễ hội đêm làng cổ” với các hoạt động ca Huế, Nhã nhạc và thả hoa đăng trên sông Ô Lâu. Tuy nhiên, với số lượng khách ít, chi phí cho mỗi đêm lễ hội này khoảng 100 USD/khách, tương đối cao so với mặt bằng chung nên các phương án đều chưa khả thi.
Lang thang ở Làng cổ, tình cờ chúng tôi ghé chân nhà thờ họ của ông Trương Đức Kiến (82 tuổi) trưởng tộc dòng họ Trương Đức. Ông cụ vui vẻ mời tất cả những khách qua đường vào nhà thờ họ, rồi hồ hởi mời mọi người thưởng thức các loại bánh đặc sản của vùng. Ông cũng nhiệt tình giải đáp những thắc mắc của mọi người về kiến trúc nhà thờ họ Trương và làng cổ Phước Tích. Ông bảo, mỗi dịp rằm, mùng một, ông ra nhà thờ họ để thắp hương, nhưng cứ có người cần tham quan nhà thờ là ông lại nhiệt tình ra hướng dẫn, giới thiệu và giải đáp cho du khách. Đoàn khách thì biếu ông vài chục, đoàn thì không có gì nhưng không vì thế mà ông không nhiệt tình. Chắc chắn du khách ra về, sẽ nhớ mãi ông cụ “hướng dẫn viên” nghiệp dư nhưng lại rất chuyên nghiệp này.
Nỗ lực tìm các hướng đi để phát triển du lịch Phước Tích là cần thiết, nhưng nên chăng, các nhà quản lý hãy bắt đầu thay đổi nhận thức và hành động của những con người, những chủ thể của di sản như cụ ông Trương Đức Kiến./.
Bài&ảnh: Hồng Hà