Đường dây nóng
0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn
Liên hệ quảng cáo
091.358.6788
Làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám thuộc xã Lùng Tám, Quản Bạ (tỉnh Hà Giang). Đây làng dệt thủ công nổi tiếng nhất tại Tây Bắc.
Đối với người Mông sinh sống nơi cổng trời Quản Bạ - Hà Giang, sợi lanh được xem là sợi kết nối với thế giới tâm linh và nguồn cội.
Nguyên liệu chính để làm vải lanh là cây lanh. Nghệ nhân Vàng Thị Mai cho biết, quy trình dệt vải lanh trải qua 41 bước, bao gồm gieo hạt, thu hoạch cây lanh, bóc tách sợi, se lanh, nối sợi, quay guồng, dệt vải, giặt, phơi... đòi hỏi rất nhiều thời gian và tâm sức.
"Để có mảnh vải đẹp, người thợ phải yêu nghề, kiên trì và khéo léo", bà Mai nói và giải thích thêm các sợi lanh ngay từ bước bóc tách đã phải đều nhau thì tấm vải dệt ra mới bền và đẹp.
Sợi lanh sau khi bóc tách được giã cho mềm, rồi nối lại với nhau để có sợi dài.
Người Mông ở Lùng Tám rất chuộng vải lanh hơn vải bông, họ cho rằng vải lanh bền chắc hơn vải bông.
Để se sợi chắc hơn, người Mông chế một dụng cụ phối hợp nhịp chân và tay, cùng lúc se được nhiều sợi lanh.
Các sợi vải dệt xong được đặt giữa một phiến đá và một trụ gỗ. Người thợ đứng lên trên phiến đá lăn qua lăn lại cho đến khi toàn bộ bề mặt vải được cán phẳng, mềm và mịn mới mang đi ngâm với tro bếp củi một tuần cho trắng rồi phơi khô.
Sau đó, sợi được đưa vào một khung quay để tháo ra và bó thành từng bó rồi mang đi luộc với tro bếp, ngâm và giặt. Việc này lặp lại đến khi nào sợi lanh trắng mới mang đi phơi khô rồi cho vào khung để dệt. Khi cho sợi vào khung, tùy khổ vải, người thợ đếm chính xác số lượng sợi.
Người Mông vẫn dệt vải thủ công bằng khung cửi. Công đoạn dệt vải thường do các nghệ nhân lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm đảm nhận để có thể xử lý các sợi đứt, xấu.
Dệt lanh gồm nhiểu công đoạn, từ se sợi, tới dệt vải, đều đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Ngoài dệt vải, phụ nữ Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật vẽ sáp ong và nhuộm chàm.
Người thợ vẽ họa tiết truyền thống Mông lên vải trắng bằng sáp ong đun nóng.
Sáp ong được đun trên bếp than dùng để vẽ lên vải lanh.
Để làm nên những hoa văn rất riêng trên vải, người Mông dùng bộ bút vẽ (được chế tạo một cách thủ công) chấm vào sáp ong nấu chảy và kẻ lên vải, ban đầu là đường thẳng, rồi đến hình tam giác, trôn ốc, hình đồng tiền, chữ thập, chân chim… Đây là những họa tiết biểu hiện cho thế giới vũ trụ của người Mông.
Trong khi đó, kỹ thuật nhuộm chàm cho ra những tấm vải nhiều màu sắc. Màu nhuộm được sử dụng cũng hoàn toàn tự nhiên.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đồng bào, vải lanh Lùng Tám đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, vinh dự được giới thiệu, trưng bày tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại nước ta vào năm 2015.
Với những giá trị văn hóa và thực tiễn đời sống, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.
Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám sản xuất với nhiều sản phẩm đa dạng như: Quần áo, ví, khăn, chăn, khăn trải bàn, túi thổ cẩm, tấm trang trí, vỏ gối…
Điểm nhấn của những sản phẩm là chất liệu lanh và được làm theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại cho tới ngày nay. Các sản phẩm của người dân Lùng Tám đều mang những nét văn hóa truyền thống. Những hình ảnh, màu sắc trên mỗi sản phẩm mang dấu ấn vùng cao nguyên đá Hà Giang. Đặc biệt là những đường nét văn hóa người Mông được khắc họa trên những đường thêu đầy ý nghĩa.
Đến với Hà Giang hãy ghé qua làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, để tìm hiểu nét đẹp văn hóa nơi đây cũng như khám phá một trong những nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam nói chung và của người dân Lùng Tám nói riêng ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc yêu thương.