• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng gốm Bát Tràng: Điểm du lịch hấp dẫn dịp Tết của Thủ đô

Du lịch 23/01/2020 15:39

(Tổ Quốc) - Năm Canh Tý 2020 là một năm vô cùng đặc biệt với người dân xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi đón nhận niềm vui được công nhận là Điểm du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những cách đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Khu làng cổ Bát Tràng rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 2.

Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng. Những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia…

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 3.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 4.

Hiện nay, xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Làng gốm Bát Tràng: Điểm du lịch hấp dẫn dịp Tết của Thủ đô - Ảnh 4.

Cùng với sự phát triển của làng nghề tại Bát Tràng đã xuất hiện rất nhiều kiểu lò nung khác nhau như: Lò ếc, lò đàn, lò bầu, lò hộp, lò ga… Trong đó lò bầu là loại lò có kích thước to nhất, cũng là loại lò có thể đạt tới nhiệt độ nung cao nhất.

Lò Bầu được ra đời từ cuối thế kỉ XIX, là lò nung gốm sử dụng củi để đun đốt. trước đây trong làng có khoảng 20 chiếc lò bầu, nhưng đến ngày nay chỉ còn duy nhất một chiếc Lò Bầu tại điểm thăm quan du lịch Lò Bầu Cổ có tên là Lò Sông Hồng B.

Lò Sông Hồng B có tổng diện tích 1030 mét vuông, Lò có năm bầu. Bầu lò có vòm cuốn liên tiếp tựa như những mảnh vỏ sò úp nối với nhau. Nhiệt độ làm việc của Lò bầu trung bình khoảng từ 1200 -1300 độ C.

Làng gốm Bát Tràng: Điểm du lịch hấp dẫn dịp Tết của Thủ đô - Ảnh 5.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 8.

Trước khi đun lò người ta xếp sản phẩm vào trong các bầu lò thành từng cọc, mỗi cọc cách nhau 15-20 cm và cao khoảng nửa mét. Sau khi xếp xong hàng người ta sẽ lấp cửa lò lại chỉ để một lỗ vuông có kích thước 15x15cm rồi tiến hành đun lò. Thông thường một lò 5 bầu đun trong khoảng 24 tiếng. Người ta sẽ phải chờ thêm khoảng 24 tiếng nữa để lò nguội tức là sau 2 ngày những người thợ lò có thể tiến hành lấy hàng ra khỏi lò.

Công đoạn sản xuất gốm sứ, gồm các bước: Chuẩn bị nguyên liệu; tạo hình sản phẩm; làm khô hàng (phơi hàng); Sửa hàng; Trang trí, vẽ; Tráng men; và Đốt lò.

Điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô

Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những cách đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Mỗi năm Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 20%. Hiện Bát Tràng đang triển khai thực hiện Đề án và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tỷ lệ 1/500, theo đó sẽ có các công trình như: Trung tâm thương mại gốm sứ Bát Tràng, khu bảo tàng gốm sứ, khách sạn ven sông Bắc Hưng Hải... Đây là "cái lõi" phát triển du lịch để qua đó thực hiện công tác bảo tồn cũng như nâng tầm giá trị của nghề gốm sứ truyền thống, đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch quốc tế.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 11.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 12.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 13.

Song song với đó, Bát Tràng đã và đang phát triển du lịch thông minh trên nền tảng áp dụng công nghệ 4.0. Du khách có thể tìm hiểu thông tin về làng nghề, hệ thống di tích, điểm mua sắm đạt chuẩn, tour tuyến tham quan... thông qua việc quét mã QR code; sử dụng ứng dụng thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng; truy cập hệ thống wifi miễn phí...

Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích một số hộ dân chuyển sang kinh doanh các dịch vụ lưu trú, ẩm thực nhằm đa đạng hóa các hoạt động tham quan, trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới Bát Tràng.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 14.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 15.

Em Vân Khánh, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Kim Đồng (Quận Ba Đình) chia sẻ: Đến đây, chúng em đã được trực tiếp trải nhiệm hai công đoạn để tạo nên một sản phẩm gốm sứ. Đầu tiên, chúng em vào vai các bác thợ với đất sét và bàn xoay để tạo ra sản phẩm mộc. Để có được sản phẩm như ý muốn thì quan trọng phải để đất vào vị trí trung tâm của bàn, một người quay, một người vuốt. Tuy sản phẩm không đẹp như ý muốn, nhưng chúng em vui lắm vì được tự tay tạo nên chúng.

Cùng với đó, việc Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch sẽ góp phần đưa làng gốm trên 500 năm tuổi này trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và cả nước. Đồng thời đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.

Khám phá Làng gốm Bát Tràng ngày Tết - Ảnh 16.

Còn em Nguyễn Thiện Nhân, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Kim Đồng ( Quận Ba Đình) thì lại hồ hởi chia sẻ: Thật may mắn khi chúng em được tham quan làng gốm Bát Tràng. Tại đây, mỗi chúng em được chọn cho mình một đồ gốm trơn rồi tự tay vẽ lên đó những gì mình thích. Trông chúng em chẳng khác gì những nghệ nhân vẽ hoa văn thực thụ. Đúng là chỉ có tự tay tham gia vào công việc mới thấy được sự khó khăn, vất vả của nghệ nhân làm gốm nơi đây...

Có được vị thế như hiện nay không chỉ nhờ sự quan tâm của thành phố và chính quyền địa phương mà còn bởi sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, những người đã và đang gìn giữ "ngọn lửa" truyền thống của làng nghề. Đó là những yếu tố góp phần là cho du lịch Bát Tràng ngày càng bay cao, bay xa và trở thành điểm du lịch của thành phố cũng như quốc tế trong tương lai.

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ