(Cinet)- Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Đặc biệt, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa nghệ thuật làm gốm truyền thống này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguồn ảnh: VNE |
Vùng đất Ninh Thuận là nơi có nhiều nét văn hóa riêng trong đó có nền văn hóa Chăm đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc địa phương nói riêng. Người Chăm ở Ninh Thuận vốn được biết đến với rất nhiều nghề truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề thuốc Nam được giữ gìn và phát triển. Ba làng nghề truyền thống của người Chăm được công nhận chính thức gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa.
Các sản phẩm gốm của làng Bàu Trúc ngày càng đa dạng về mẫu mã... Nguồn: tapchidulich.com.vn |
...nhưng luôn mang đậm màu sắc đặc trưng của quá trình chế tác. Ảnh minh họa. Nguồn: gomsu.divashop.vn |
Làng gốm Bàu Trúc nằm ở ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng nam. Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch).
Nét độc đáo của nghề làm gốm nơi đây là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở nhiều nơi, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú. Ngoài ra, vật liệu cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo tác nên sản phẩm gốm. Đó là một loại đất sét đặc biệt được lấy bên bờ sông Quao, đem về đó đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được trộn vào tuỳ thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Do đó gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác.
Các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. Nguồn: ninhthuantourist.com |
Phơi và hong khô sản phẩm trước khi đem nung. Nguồn: langvietonline.vn |
Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 6000oC trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ "lung linh của nền văn hóa Chămpa" với tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Và đó cũng chính là yếu tố quan trọng để nghề làm gốm của người Chăm nổi tiếng, vang xa.
Nguồn ảnh: english.vietnamnet.vn |
Ngày nay gốm Bàu Trúc phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ được ứng dụng chế tác phong phú hơn phục vụ du lịch và đời sống thẩm mỹ ngày càng cao của đông đảo dân chúng trong cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng. Với khát vọng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những nghệ nhân lớn tuổi của làng đã nghiên cứu sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới không còn bó hẹp trong các sản phẩm gốm gia dụng nữa. Đến thăm làng gốm, du khách sẽ có dịp khám phá tận mắt quá trình làm gốm cũng như trải nghiệm cảm giác thú vị như một nghệ nhân làm gốm thực thụ, từ đó cảm nhận được cái hồn của văn hóa dân tộc Chăm.
T.T (t/h)