• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi ở Bắc Ninh tất bật ngày giáp Tết

Kinh tế 23/12/2022 08:12

(Tổ Quốc) - Dịp giáp Tết, người dân làng nghề gốm cổ Phù Lãng tăng cường các sản phẩm như lọ hoa, chum cắm đào... để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 1.

Nằm tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, làng Phù Lãng nổi tiếng với nghề gốm hơn 700 năm. Hiện làng có khoảng gần 200 hộ duy trì nghề truyền thống này. Không chỉ là nét văn hóa lâu đời, gốm còn tạo ra nguồn thu nhập chính của xã Phù Lãng.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 2.

Vào những ngày cận Tết, làng nghề tăng cường sản xuất các sản phẩm trang trí như lọ hoa, chậu cây cảnh, chum cắm đào... Nhiều nhà đã bắt đầu làm từ vài tháng trước để kịp cung cấp cho thị trường.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 3.

Nguyên liệu gốm Phù Lãng là đất sét đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Ông Phạm Văn Thắng (57 tuổi) cho hay ông học nghề gốm từ ông cha và bắt đầu làm gốm khi còn bé. “Ngày trước, quy trình tạo đất sét hoàn toàn thủ công. Theo đó, đất mang về sẽ được phơi bạc, đập nhỏ rồi mang đi ngâm nước sau đó nề, sa cho đến khi đạt độ dẻo mịn nhất định. Có như vậy, gốm mới dễ vuốt nặn, chất chắc khỏe”.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 4.

Ngày nay, công đoạn làm đất sét đã được máy móc hỗ trợ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tăng năng suất cho người làng nghề.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 5.

Tùy vào sản phẩm, đất sét sẽ được tạo hình bằng cách vuốt nặn trên bàn xoay hoặc in trên khuôn gỗ. Gốm tạo hình xong sẽ được quét một lớp men rồi mang đi phơi nắng cho khô.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 6.

Men gốm Phù Lãng được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không độc hại, độ bền cao, khó bị bạc màu. Màu men mộc mạc, đơn giản; thường có các màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… được gọi là men da lươn. Gốm Phù Lãng sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong (chạm kép).

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 7.

Họa tiết trang trí trên gốm Phù Lãng đơn giản nhưng tinh tế, lấy cảm hứng từ cuộc sống hoa sen, cá chép, cây cối.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 8.

Một trong những điểm đặc biệt của gốm Phù Lãng là trải qua hàng trăm năm, sản phẩm vẫn được nung trong lò đốt củi. Vì thế, chất gốm tuy thô ráp nhưng khỏe khoắn, mộc mạc. Thông thường, nhà làm nhiều thì đốt 3 lò mỗi tháng; ít thì 1 đến 2 tháng đốt một lần. Việc đốt củi phụ thuộc vào kinh nghiệm thực tế và độ nhạy của người làm nghề. Mỗi lò sẽ đốt trong 3 ngày 3 đêm ở nhiệt độ khoảng 1.200 độ C.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 9.

Do dùng củi để đốt lò nên củi khô chất đầy hai bên đường, trở thành một nét đặc trưng của làng Phù Lãng.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 10.

Một sản phẩm làm ra đạt chất lượng phải được giữ nguyên trạng, đạt độ chín sành, màu men chuẩn. Đặc biệt, khi gõ vào, sản phẩm sẽ phát ra âm thanh trong như tiếng chuông.

Làng gốm thủ công hơn 700 năm tuổi tất bật ngày giáp Tết - Ảnh 11.

Làng Phù Lãng sản xuất chủ yếu 3 loại gốm tùy vào mục đích. Đó là gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh...), gốm gia dụng (lọ, bình hoa, chum, nồi, niêu...), gốm trang trí (bình, tranh gốm...).


Xuân Phương

NỔI BẬT TRANG CHỦ