Làng nghề đúc đồng truyền thống 400 năm tuổi ở Quảng Nam
Thực hiện: Bảo Trung | 29/05/2024
(Tổ Quốc) - Những bức tranh đồng được tạo nổi nhờ kĩ thuật đục (thúc) và chạm trổ, vừa có sự công phu, tỉ mỉ vừa đòi hỏi tay nghề cao của mỗi nghệ nhân làng nghề Phước Kiều (Quảng Nam).
Người dân làng đúc Phước Kiều nay thuộc phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khi lớn lên đã biết nặn khuôn, rót đồng. Những sản phẩm đơn sơ như chiêng, thanh la, chuông, đồ mỹ nghệ đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân làng.
Làng nghề Phước Kiều đã được 400 tuổi. Trải qua nhiều thăng trầm, thời điểm khó khăn nhất của làng nghề, những người con yêu nghề vẫn đau đáu tìm cách giữ lửa nghề và cũng là tự mở ra cho mình con đường mưu sinh mới, nghề đục ngược trên đồng vì thế mà ra đời và tồn tại đến nay.
Để tạo ra những bức tranh sinh động trên chất liệu đồng, người thợ phải chuyển thể từ mẫu tranh trên giấy thành những đường nét mềm mại, sinh động sau đó được chạm, thúc, đục hoàn toàn ngược.
Những bức tranh đồng được tạo nổi nhờ kĩ thuật thúc và chạm trổ, vừa mang yếu tố kĩ thuật, vừa có sự công phu, tỉ mỉ của người thợ.
Trước khi chạm thúc tạo sản phẩm, người thợ phải vẽ trước trên giấy.
Tranh đồng có ưu thế về độ bền và được nhiều người ưa thích. Để làm được tranh đồng, người thợ phải đạt đến trình độ điêu luyện. Mỗi người thợ làm tranh đồng phải có khả năng tự làm ra những chiếc búa riêng cho mình theo yêu cầu của từng kiểu tranh đồng có chất liệu dày, mỏng khác nhau.
Ngôi nhà của nghệ nhân Dương Ngọc Long là một xưởng chế tác nhỏ. Ở đây, hơn 50 năm qua tiếng thổi lò, tiếng củi cháy lách tách để nấu đồng chưa bao giờ ngớt.
Là con của một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng trong làng, từ năm 12 tuổi, ông Long đã biết các kĩ thuật về đúc đồng, nhưng vì niềm đam mê hội họa ông đã vào Nam ra Bắc học chạm thúc tranh đồng để thỏa sức sáng tạo.
"Tất nhiên đồng không thể tạo nên những hình ảnh, đường nét sống động được, người thợ có khả năng gò sâu hay nông là tùy tay mỗi người. Với một chiếc ve nhám, muốn nhám được chiều sâu cần có kĩ thuật cao", ông Dương Ngọc Long chia sẻ.
"Ví chiếc búa như cán cân thì một người thợ phải biết cách đập nhịp nhàng, biết cầm ngang đoạn nào để đập cho đều tay và chiếc búa cũng phải vừa với tay người thợ, không quá nặng cũng không quá nhẹ. Ve thì có nhiều loại ve, ve chạm, ve thúc, ve to, ve nhỏ,… được coi như chiếc bút vẽ của người thợ. Có những chiếc ve tôi chỉ dùng duy nhất một lần trong đời cho 1 bức tranh và không thể áp dụng cho bức tranh khác vì nó không phù hợp", ông Long cho biết.
"Kĩ thuật chạm tranh đồng thì tương đối giống nhau, nhưng chạm trên tấm đồng lớn để làm sản phẩm trang trí cho các công trình thờ cúng thì khó hơn rất nhiều vì dày hơn các sản phẩm thường. Nếu người thợ không có kĩ thuật cao thì khi đi ve sẽ bị chạy lung tung, không theo ý muốn của mình. Đặc biệt nghề này các họa tiết, đường nét đều phải đục ngược, hay còn gọi là đục âm bản, để khi hoàn thành tác phẩm sẽ được nhìn ở mặt dương bản", ông Long nói thêm.
Tuy nhiên, đây là nghề luôn đòi hỏi trình độ kĩ, mỹ thuật cao, nên càng ngày càng không có nhiều người làm nghề đục ngược như ông Dương Ngọc Long.