(Tổ Quốc) - Nhắc tới Lệ Mật (P.Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) nơi nổi tiếng với làng nghề nuôi rắn truyền thống và nay là nuôi rắn phục vụ ẩm thực, làm thuốc chữa bệnh. Nhưng ít ai biết tới nguồn gốc ra đời của làng nghề này đã gắn với truyền thuyết về đức thành hoàng làng văn võ song toàn người có công khai hoang lập ấp tạo ra làng nghề.
Truyền thuyết về người có công khai hoang lập ấp
Tương truyền vào năm 1043 Công Chúa con vua Lý Thái Tông đi du thuyền qua dòng sông Thiên Đức (Sông Đuống). Vua Thủy Tề vừa gặp Công Chúa thấy nàng có nhan sắc tuyệt đẹp, bèn nổi sóng dữ dâng trào nước sông để Thủy Quái cướp mất Công Chúa. Được tin Vua Lý Thái Tông vô cùng thương xót lệnh sai các thuyền đi mò tìm khắp đoạn sông dài nhưng không thấy. Vua Lý Thái Tông đã hạ chiếu: "Ai vớt được ngọc thể Công Chúa sẽ được trọng thưởng".
Công việc ấy không ai làm được chỉ duy nhất có chàng trai Lệ Mật mới 16 tuổi dũng lực hơn người thạo nghề sông nước lặn xuống đáy sông giao chiến với Thủy Quái đưa được ngọc thể công chúa lên bờ. Được tin, nhà Vua giữ đúng lời hứa ra sắc phong cho chàng trai Lệ Mật chức "Thái Giám Nội Tự Khanh" đồng thời thưởng cho 100 cân vàng, 100 tấm lụa.
Ông đã tâu lên Đức Vua trả lại vàng bạc châu báu, lụa là, chỉ xin Đức Vua ban cho khu đất hoang ở phía Tây thành Thăng Long. Nhà Vua ưng thuận, ông chiêu tập dân nghèo ở bản trang được phân bổ về phía Tây thành Thăng Long, phía sau chùa Bảo Tự. Tổ chức phát hoang lập ấp, mở trại. Sau đó ông về Lệ Mật đưa một số dân nghèo vượt sông Nhị Hà sang phía Tây kinh thành sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất này trở thành khu Thập Tam Trại và ngày nay đã trở thành Thủ đô trù phú.
"Uống nước nhớ nguồn" hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 3 (âm lịch) nhân dân Thập Tam Trại lại tổ chức ngày hội truyền thống làng Lệ Mật để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ tới công ơn của đức thánh Thành Hoàng Làng.
Theo các bậc cao niên ở làng Lệ Mật cho biết, Thần tích của Thành hoàng làng Lệ Mật còn có các tư liệu và truyền thuyết khác nhau nhưng đều có chung một điểm là có công vớt xác công chúa thời vua Lý Thái Tông (1028- 1054).
Ngoài ra nói tới làng Lệ Mật không thể không nói tới cụm di tích lịch sử văn hóa đình, chùa và lễ hội truyền thống hàng năm, nghề truyền thống bắt rắn và nuôi rắn. Cụm di tích lịch sử văn hóa đình, chùa của Lệ Mật mang đậm nét văn hóa của Việt Nam nói chung, mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa vùng miền Lệ Mật, Việt Hưng.
Từ xa xưa, làng Lệ Mật có hai đình: đình Thượng và đình Hạ. Đình Thượng tọa lạc về phía Tây gần trụ sở Ủy ban nhân dân phường hiện nay. Theo các bậc cao niên trong làng, đình Thượng được dựng đầu tiên. Đình Hạ được xây dựng từ triều Lý, kiến trúc với những trạm khắc hoa văn tinh xảo, đặc biệt hai đầu rồng trên bức cồn, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ công (nội công, ngoại quốc).
Đình làng Lệ Mật thờ Thành Hoàng làng là vị thần có nhiều công đức với triều đại nhà Lý thế kỷ XI, là người có đức, có tài được vua Lý phong "Thượng Đẳng Phúc Thần" sau khi hóa.
Cụm di tích làng Lệ Mật là di tích cổ có cảnh quan đẹp nằm trên khuôn viên rộng, thoáng, tạo thế liên hoàn giữa Đình – Chùa và Miếu – Giếng – Tam quan. Đình Lệ Mật có giá trị lịch sử văn hóa, nhân văn sâu sắc, gắn kết chặt chẽ với lịch sử xây dựng, phát triển ngàn năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội nên đình Lệ Mật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp vào hạng cấp quốc gia vào loại sớm nhất ở huyện Gia Lâm. Hiện nay ở đình còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong của các triều đại và hơn 300 vật thể có giá trị.
Chùa Lệ Mật là nơi lưu giữ được bộ Tượng tam thế phật có niên đại cuối thế kỷ 16 đầu 17 được tạo tác ngồi trên đài sen trong tư thế "Kiết già hàng ma".
Nhà trưng bày sản phẩm nghề truyền thống nuôi rắn được cải tạo nâng cấp trên khuôn viên nhà văn hóa Lệ Mật cũ cũng mang dáng vẻ vừa cổ kính vừa hiện đại hòa đồng với cảnh quan chung của đình, chùa.
Cụm di tích lệ mật nằm tại trung tâm giao điểm nơi hội tụ của rất nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị cao của thời Lý. Đây là điểm đến của các tua du lịch văn hóa, làng nghề. Vì vậy, cụm di tích rất được trân trọng, giữ gìn bảo tồn, tu tạo cho muôn đời sau.
Nghệ thuật ẩm thực
Đến Lệ Mật là đến với làng nghề truyền thống nuôi, bắt rắn với các bài thuốc chữa rắn cắn, các loại rượu rắn nổi tiếng trong và ngoài nước. Lệ mật còn có nhiều nhà hàng chế biến các món ăn đặc sản truyền thống từ rắn với hương vị không nơi nào có được và được các du khách trong và ngoài nước rất ưu thích.
Nhắc tới đây khi được hỏi về nghề rắn có từ bao giờ thì không ai hay biết. Theo các cụ cao niên trong làng, người đầu tiên truyền dậy nghề bắt rắn, chỉ biết nghề này có từ lâu gắn với vị Thành Hoàng Làng, là nghề cha truyền con nối. "Ngày xưa đất Lệ Mật là những gò đống, nhiều rắn, tôm cá, để sinh sống Đức Thánh đã dạy dân bắt rắn trước tiên để bảo vệ mình, sau đó đã biết dùng rắn chế biến thành nhiều loại khác nhau: thuốc chữa bệnh rắn cắn, các loại thuốc làm từ da rắn mật rắn….dần dần rắn tự nhiên ít đi người dân đã bắt đầu với nghề nuôi rắn"- ông Hoàng Ngọc Hay – Thủ từ đình đền Lệ Mật kể lại.
Sau này do rắn có nhiều công dụng, do nhu cầu của thị trường nghề nuôi rắn có nhiều cơ hội phát triển đã trở thành làng nghề độc đáo nổi tiếng – nghề truyền thống bắt rắn và nuôi rắn.
Khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều nơi có người bắt rắn, nhưng không nơi nào có nhiều người bắt rắn đông như ở làng Lệ Mật và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thành nghề gia truyền. Nghề này đã thấm sâu vào máu thịt của người dân nơi đây. Người dân Lệ Mật có cả một kho tri thức kinh nghiệm về rắn và kỹ thuật, kỹ xảo bắt rắn, làm thuốc chữa rắn cắn, ẩm thực về rắn: "Tôi có thể xem hang mà biết được đây là loại rắn gì, cần phải bắt như thế nào để không bị rắn cắn" - ông Trương Văn Chè, cũng là người có nhiều năm làm nghề nuôi rắn cho biết.
Năm 2007 dự án phát triển làng nghề truyền thống nuôi rắn làng Lệ Mật được triển khai thực hiện, từ đó nghề nuôi rắn được tiếp thêm sinh lực. Đến nay số hộ nuôi rắn đã tăng lên hàng chục với nhiều nhà hàng đạt tiêu chuẩn.
Trong những năm qua, nhiều người trong và ngoài nước đến nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về làng Lệ Mật. Trong đó người đầu tiên là ông Tạ Duy Hiển đỗ Tiến sĩ năm 1995.
Nghề truyền thống bắt rắn ở làng Lệ Mật mang lại danh thơm lợi nhuận cho làng, nhưng cũng vì nghề này mà cũng nhiều người phải trả giá bằng sinh mạng hay thương tật ở ngón tay khi bị rắn độc cắn. Đúng là "Sinh nghề, tử nghiệp" như cha ông ta đã nói, nhưng không vì thế mà nghề bị mai một. Chính sự hiểu biết và những kinh nghiệm có được cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật ngày càng có nhiều cơ hội để phát triển.