(Tổ Quốc)- Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS tại Lạng Sơn đã và đang từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân.
Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025. Lạng Sơn là tỉnh thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, toàn tỉnh hiện có trên 800.000 dân, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 84%, gồm 7 dân tộc chính là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay. Với đặc điểm trên, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thì trong cộng đồng DTTS của Lạng Sơn vẫn còn tồn tại một số hủ tục, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến gia đình và xã hội.
Tăng cường tuyên truyền
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Tiểu Dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS”, giai đoạn 2021 – 2025, Ban đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai tiểu dự án giai đoạn và theo từng năm. Theo đó, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết với nhiều hình thức phong phú. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; xây dựng, duy trì mô hình điểm… Qua triển khai thực hiện, công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS nhận thức của Nhân dân về chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước hết, các cấp, ngành tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nhiều hình thức phong phú. Cụ thể như: tổ chức hội nghị, treo pa nô, khẩu hiệu, phát tài liệu, tư vấn pháp luật, tuyên truyền qua thông tin đại chúng… Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 300 cuộc tuyên truyền có liên quan đến nội dung phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với trên 92.000 lượt người tham gia; Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 6 phóng sự về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Lạng Sơn bằng tiếng phổ thông, tiếng Tày – Nùng, tiếng Dao; cấp phát gần 65.000 sổ tay, tờ rơi các loại về các nội dung liên quan; tổ chức gần 160 hội nghị tư vấn, tuyên truyền cho trên 12.300 lượt người tham gia tại các trường học trên địa bàn tỉnh…
Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền là các cấp, ngành tập trung vào các đối tượng như: Thanh niên, vị thành niên là người DTTS chưa kết hôn; phụ huynh học sinh, cha mẹ của thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi vị thành niên; già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Với nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng đối tượng về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và gia đình; kỹ năng truyền thông, vận động về hôn nhân, gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Để góp phần giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hằng năm, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục đã tổ chức tuyên truyền 20 buổi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THPT các huyện như: Cao Lộc, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn… thu hút trên 12.500 lượt học sinh tham gia. Phương pháp tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, sinh động thu hút các em học sinh hiểu về những nội dung như: Hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản như: làm tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em; trẻ có nguy cơ mắc một số bệnh, tật bẩm sinh… từ đó làm giảm chất lượng dân số, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Những chuyển biến tích cực
Cùng với tuyên truyền, các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền thông, vận động cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành đã tổ chức gần 70 hội nghị tập huấn cho trên 6.590 lượt cán bộ tham gia.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh duy trì và triển khai xây dựng các mô hình điểm tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao, từ năm 2021 đến nay, duy trì 2 mô hình tại 2 xã Ái Quốc, Thống Nhất (huyện Lộc Bình) và thành lập 2 mô hình tại các xã Mẫu Sơn, xã Công Sơn (huyện Cao Lộc). Đến nay, cấp huyện đã chỉ đạo các xã thành lập đầy đủ các ban vận động ở thôn và tổ chức tuyên truyền vận động tại các thôn theo kế hoạch, phát huy vai trò của mô hình.
Xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình là xã vùng III với 9 thôn, trên 2.100 nhân khẩu, trong đó có gần 97% dân số là người dân tộc Dao. Trước đây, xã Ái Quốc là “điểm nóng” về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, còn nhiều lạc hậu nên trước đây, địa bàn xã có nhiều cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Để giảm thiểu tình trạng này, từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo cấp xã đã triển khai và chỉ đạo thành lập ban vận động giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại 9/9 thôn. Qua đó, nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về vấn đề này. Nhờ đó, trong 3 năm trở lại đây, xã đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn cũng giảm đáng kể, riêng năm 2023 chỉ còn 1 trường hợp tảo hôn.
Bằng các giải pháp đồng bộ, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Tiểu Dự án 2, nhận thức của đồng bào DTTS được nâng cao rõ rệt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể.
Nếu như giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 750 cặp tảo hôn (621 cặp kết hôn tảo hôn vợ hoặc chồng; 129 cặp kết hôn tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 2,35% tổng số cặp kết hôn; 3 cặp kết hôn cận huyết thống, thì từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 230 cặp kết hôn tảo hôn (200 cặp kết hôn tảo hôn vợ hoặc chồng; 30 cặp kết hôn tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 2% tổng số cặp kết hôn; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng dân số và đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn./.