(Tổ Quốc) - Những năm qua, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: tuyengiao.vn)
Hiện nay, toàn tỉnh có 126 khu, điểm di tích được xếp hạng. Trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 98 di tích cấp tỉnh. Trải qua bao biến thiên lịch sử, các di tích đã chịu sự tác động trực tiếp của thời gian và thời tiết; nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được các cấp, ngành chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Lạng Sơn có 23 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xã hội hóa từ sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trên 25 tỷ đồng.
Sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội không những phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn hệ thống di tích trên toàn tỉnh, làm cho bộ mặt nhiều di tích thay đổi, thu hút đông khách du lịch mà còn tác động trở lại xã hội. Từ nguồn công đức, nhiều di tích đã đóng góp trở lại cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, ví dụ điển hình như: đền Kỳ Cùng, đền Bắc Lệ, đền Mẫu Đồng Đăng, chùa Thành, chùa Tân Thanh…
Một số địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá tốt trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích từ huy động xã hội hóa như: thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc… Từ năm 2017 đến nay, nhiều di tích tại các huyện, thành phố được tôn tạo với số tiền rất lớn từ xã hội hóa, ví như: chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc huy động được 3 tỷ đồng; đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc huy động được trên 1 tỷ đồng; tu bổ nghi môn đền Quan Giám Sát, huyện Hữu Lũng huy động được 600 triệu đồng; khuôn viên di tích đền Bắc Lệ với số tiền xã hội hóa là 360 triệu đồng…
Thành phố Lạng Sơn là địa bàn nổi bật và làm tốt công tác xã hội hóa trong trong bảo vệ, tôn tạo giá trị di tích. Chỉ tính riêng năm 2018, thành phố Lạng Sơn đã trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp được 5 di tích từ nguồn xã hội hóa với số tiền trên 17 tỷ đồng, góp phần đưa di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng của thành phố.
Việc xã hội hóa tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử là hết sức quan trọng, tạo được nguồn kinh phí lớn để tôn tạo, phục dựng, bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp, nâng số lượng di tích được tôn tạo nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, việc huy động xã hội hóa mới chỉ đạt hiệu quả ở các di tích có nhiều yếu tố tâm linh như đền, chùa. Bởi ở các di tích này có rất đông du khách thập phương đến tham quan nên nguồn công đức ủng hộ lớn; nhiều di tích được các dòng họ, con cháu đỗ đạt, thành danh ủng hộ xây dựng nhiều. Trong khi đó, các di tích ít có yếu tố tâm linh như: đình làng hay di tích cách mạng thì việc xã hội hóa chưa đạt kết quả, chủ yếu vẫn đang dựa vào nguồn vốn của Nhà nước.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm: Để huy động tối đa nguồn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích trong thời gian tới, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền nhận thức cho nhân dân có những giải pháp hợp lý để vận động được tối đa nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân.