(Cinet) - Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và thích hợp cho du khách đến tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang hoạt động tại đây.
(Cinet) - Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và thích hợp cho du khách đến tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang hoạt động tại đây.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nơi bảo tồn, giữ gìn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt nam. |
Nơi trao đổi văn hóa giữa các dân tộc
Với một khuân viên rộng lớn và mục đích bảo tồn, giữ gìn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt nam, nơi đây đã tái hiện đầy đủ các khu làng dân tộc trên khắp mọi miền của đất nước. Hàng năm tại Làng đều tổ chức các lễ hội thường niên như: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa Việt Nam, Ngày hội sắc xuân…
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với sứ mệnh là nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc Việt Nam, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam. Ở đó còn thể hiện tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới.
Nhiều hoạt động, lễ hội đặc sắc, hấp dẫn được tổ chức thường xuyên và định kỳ tại Làng đã thu hút đông đảo du khách đến khám phá và trải nghiệm. Đặc biệt, với sự chuyển đổi phương thức, quy mô tổ chức sự kiện, hoạt động, từ các sự kiện lớn hàng năm, đến việc tổ chức các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hàng tháng với các chuyên đề, chủ đề về văn hóa dân tộc các vùng miền, trong đó, chú trọng đến việc gắn các hoạt động của Làng với các địa phương, với sự tham gia của chủ thể văn hóa và các công ty lữ hành đã ngày càng thu hút du khách đến với Làng.
Làng Văn hóa- Du lịch Việt Nam đã được đông đảo bạn bè quốc tế, du khách trong và ngoài nước biết đến. |
Cho đến nay, các hoạt động tại Làng Văn hóa- Du lịch Việt Nam đã được đông đảo bạn bè quốc tế, du khách trong và ngoài nước biết đến. Cùng với đó là nhiều hoạt động đã tạo được thói quen tham quan, tìm hiểu cho du khách mỗi khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các sự kiện, điển hình là Chợ vùng cao phía Bắc, các lễ hội, nghi lễ, dịp kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, dịp Tuần lễ di sản-Đại đoàn kết dân tộc Việt Nam... và dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Khám phá phong tục đón Tết của các dân tộc
Du xuân là một tập quán đẹp trong những ngày đầu năm mới, nó càng có ý nghĩa hơn khi vừa du xuân vừa được khám phá, tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số trên mọi miền của Tổ quốc. Bởi vậy, vào những ngày đầu năm mới, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn là địa chỉ lý tưởng của du khách đến tham quan.
Nhằm đáp ứng nhu cầu du xuân của du khách trong dịp Tết cổ truyền, ngay từ đầu tháng 2, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, các hoạt động tháng 02 có chủ đề “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” là chuỗi các hoạt động, sự kiện mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018 nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại “Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, đồng thời mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân năm mới.
Khám phá phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo của các dân tộc đang hoạt động tại Làng. |
Trong khuôn khổ sự kiện tháng 02 “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do chủ thể văn hóa thực hiện. Đặc biệt là giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc có điểm nhấn của các dân tộc theo cụm làng chủ đề quí “Những sắc màu Văn hóa - Du lịch Tây Bắc” và phát huy các không gian tâm linh trong Làng với quần thể chùa Khmer, Tháp Chăm và Chùa Pháp Ấn.
Quy mô Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc” từ ngày 24/02 đến ngày 25/02/2018 (tức mùng 9 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), với sự tham gia của 200 người, thuộc 21 cộng đồng dân tộc, 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Ngoài ra, hoạt động chủ đề tháng 2 có khoảng 80 đồng bào của 11 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng) cùng sự tham gia của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Tham gia các trò chơi dân gian các dân tộc thiểu số tại Làng. |
Chương trình tháng 02 “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” với các hoạt động như: Hoạt động điểm nhấn sự kiện tháng “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” gồm: Chương trình Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước; Tết trồng cây - Mùa xuân nhớ Bác; Tái hiện Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; Tái hiện Lễ cưới của dân tộc Bố Y; Chương trình Xiếc hề “Be Clown” của Cộng hòa Pháp do Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp giới thiệu.
Các hoạt động theo chủ đề tháng chúc phúc cầu an năm Mới. Đại đức trụ trì chùa Khmer và các nhà sư tụng kinh chúc phúc cầu an cho phật tử, du khách dịp đầu năm mới và cột chỉ tay dịp đầu năm mới. Trì bình khất thực đầu Xuân. Đại đức trụ trì chùa Khmer và các nhà sư khất thực đầu Năm mới giúp cho đồng bào đang hoạt động tại Làng, phật tử và du khách gieo phước lành, cúng dường đầu Năm mới, với chánh niệm, pháp khất thực sẽ mang tới cho du khách nét đẹp văn hóa của Phật giáo. Khất thực là một trong những hình thức sinh hoạt truyền thống của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam Tông nói riêng.
Đặc biệt, trong ngày Tết không thể thiếu các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào. Điển hình là Hội tung còn ngày xuân của dân tộc Thái tỉnh Sơn La. Ném Còn là trò chơi dân gian của dân tộc Thái, được diễn ra khi mùa xuân đến hay dịp vui chơi sau cúng bản, tế mường; vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, và duyên dáng, nhẹ nhàng; vừa kết hợp các động tác toàn thân, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ mang khí thế đầu Xuân.
Hội tung còn ngày Tết. |
Ngoài ra, còn có hoạt động trưng bày ảnh với chủ đề “Hương sắc vùng cao”. Giới thiệu khoảng 40 bức ảnh chủ đề “Hương sắc vùng cao” với nội dung về sắc xuân, hoạt động lễ hội, các hoạt động đón Tết vui Xuân với bà con đồng bào các tỉnh Vùng cao… tại không gian sân lễ hội Làng III và một số làng dân tộc. Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách trải nghiệm các món ăn ẩm thực ngày xuân, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Một không gian văn hóa tiêu biểu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, một khu du lịch rộng lớn, không khí trong lành, không gian xanh - sạch - đẹp, các hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, những trò chơi dân gian hấp dẫn cùng các dịch vụ chu đáo là những trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam trong những ngày Tết Mậu Tuất 2018.