(Tổ Quốc) - Sáng ngày 23/11/2017, Lễ khánh thành giai đoạn I (Lễ rước tượng Pháp Vân và Lễ an vị tượng Phật) chùa Pháp Ấn - ngôi chùa thờ Phật theo phái Bắc tông đã chính thức diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là hoạt động có ý nghĩa chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Tới tham dự Lễ khánh thành có các hòa thượng đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sư trụ trì các chùa lân cận, các tăng ni phật tử, cộng đồng các dân tộc được huy động và người dân trong khu vực…
Lễ cắt băng khánh thành chùa Pháp Ấn |
Chùa Pháp Ấn là ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc Chùa Sủi thuộc xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Hạng mục công trình thuộc Dự án Khu các làng dân tộc 4, đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, do Ban Đầu tư Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật chung (BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam) làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 18/3/2015 do Công ty Cổ phần XNK Đại đoàn kết thi công.
Sau hơn 2 năm triển khai thi công, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước cấp cho dự án có hạn nhưng BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và đơn vị chủ đầu tư đã ưu tiêp tập trung chỉ đạo với sự cố gắng rất lớn. Đến đầu năm 2017, các hạng mục chính của công trình như nhà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Tăng đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, công trình chưa hoàn thiện (đặc biệt là phần nội thất) nhưng với mục đích sớm đưa công trình vào hoạt động đáp ứng nhu cầu hoạt động tâm linh của các phật tử, của đồng bào và du khách gần xa, BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có văn bản báo cáo và đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp, hướng dẫn và giúp đỡ các hoạt động Phật giáo tại chùa.
Hòa thượng Thích Thanh Huân trụ chì chùa Pháp Vân sẽ là người giúp đỡ tổ chức các hoạt động tại Chùa Pháp Ấn.
Chùa Pháp Ấn được xây dựng theo kiến trúc Chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội |
Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Phạm Văn Quyến – Phó trưởng ban BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Cùng với việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại Tháp Chăm và chùa Khmer, việc xây dựng chùa Pháp Ấn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến nguyện vọng chính đáng về nhu cầu hoạt động tín ngưỡng của mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước và tinh thần Đại đoàn kết dân tộc.
Ông Phạm Văn Quyến cũng bày tỏ lòng cảm ơn tới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Huân, các chư tăng phật tử chùa Pháp Vân, Hà Nội và các nhà hảo tâm đã đóng góp tâm huyết, tinh thần, vật chất để chùa Pháp Ấn được khai trương hoạt động... BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tăng phật tử của các cơ quan, đơn vị để các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đáp ứng lòng mong mỏi của toàn thể nhân dân và du khách.
Lễ an vị tượng Phật |
Sau phần nghi thức cắt băng khánh thành, là lễ rước tượng Phật vào chính điện, lễ an vị tượng Phật và lễ phóng sinh.
Cùng với Tháp Chăm, Chùa Khmer, Chùa Pháp Ấn sẽ là một quần thể văn hóa tâm linh tại một Trung tâm văn hóa, du lịch, thể thao mang tầm cỡ quốc gia, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào và du khách khi đến thăm quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam./.
Tin, ảnh: Hà An