• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Luôn đổi mới các hoạt động tạo sức hấp dẫn thu hút du khách

Du lịch 23/01/2020 07:41

(Tổ Quốc) - Năm 2019, Ban Quản lý đã xây dựng các chương trình hoạt động mới mẻ, phong phú tạo sức hấp dẫn và lan tỏa để không ngừng thu hút, phát triển lượng khách tham quan trong và ngoài nước - Đó là chia sẻ của ông Trịnh Ngọc Chung - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với phóng viên Báo Tổ quốc.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

+ Trong năm 2019, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra rất nhiều hoạt động và để lại những dấu ấn đặc biệt. Để có được những thành công đó, công tác tổ chức và quản lý đã triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ông Trịnh Ngọc Chung: Trong năm 2019, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trọng tâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao. Đã tổ chức các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đón tiếp, giới thiệu nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đã quảng bá hình ảnh Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước.

Việc vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc tiếp tục được quan tâm, từng bước ổn định và đi vào chiều sâu góp phần thu hút khách tham quan, khai thác có hiệu quả hơn không gian văn hóa các dân tộc.

Tổ chức các sự kiện và hoạt động của đồng bào các dân tộc như: chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết" năm 2019 với nguồn kinh phí huy động 100% xã hội hóa; Tổ chức thành công 3 sự kiện thường niên "Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc", "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" 19/4, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" và các hoạt động chuyên đề theo tháng, cuối tuần góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, quảng bá các sản phẩm du lịch tại "Ngôi nhà chung".

Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch, tăng cường thu hút dịch vụ, kết nối với các công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch, các dịch vụ thiết yếu như ẩm thực, lưu trú phục vụ nhu cầu của du khách tham quan.

Công tác tuyên truyền, quảng bá Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được chú trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban Quản lý đã xây dựng các chương trình hoạt động mới mẻ, phong phú tạo sức hấp dẫn và lan tỏa để không ngừng thu hút, phát triển lượng khách tham quan trong và ngoài nước.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

+ Hàng năm, Làng đã huy động một số lượng không nhỏ đồng bào về tham gia sinh hoạt tại "Ngôi nhà chung", ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác này?

- Ông Trịnh Ngọc Chung: Hiện tại, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có 15 cộng đồng dân tộc đang hoạt động thường xuyên: dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Nghệ An), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Ơ Đu (Nghệ An), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Khmer (Sóc Trăng).

Hàng năm, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã ổn định hoạt động hàng ngày của cộng đồng dân tộc theo đúng chủ trương để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các địa phương trong việc kiện toàn các nhóm nghệ nhân và huy động thêm cộng đồng về tham gia hoạt động.

Tại đây, đồng bào giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian…. mang đậm nét truyền thống văn hóa của các dân tộc.

Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm tăng cường sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc Việt Nam tại "Ngôi nhà chung".

Tuy nhiên, việc huy động bổ sung thêm cộng đồng về tham gia hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí để hỗ trợ cho đồng bào về sinh sống hàng ngày tại đây. Ngoài ra, vì các dân tộc đến từ các vùng miền khác nhau nên gặp khó khăn về khí hậu, địa lý, sinh hoạt …

Trong những năm qua, Ban Quản lý đã không ngừng tích cực trong việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, để cộng đồng các dân tộc yên tâm, ổn định, sinh sống gắn bó lâu dài nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa của dân tộc mình tới du khách tham quan tại "Ngôi nhà chung".

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh 3.

+ "Ngôi nhà chung" hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị trong dịp tết Âm lịch 2020, ông có thể cho biết tại đây sẽ có những chương trình đặc sắc gì nhằm phục vụ nhu cầu tham quan và trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế?

- Ông Trịnh Ngọc Chung: Trong dịp Tết Âm lịch 2020, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan và trải nghiệm của du khách, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có nhiều chương trình hấp dẫn. Trước Tết Âm lịch có hoạt động chuyên đề tháng "Xuân vùng cao" như: "Xuân về trên bản Mường"; Tái hiện Lễ giải hạn đầu năm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên; Chương trình giới thiệu nghi thức "Lẩu Then" và khúc hát ngày Xuân...

Hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày: Treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày tết của từng dân tộc (Bày trí mâm ngũ quả, cành đào…). Trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Trang trí tiểu cảnh điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc Tây Bắc (dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Ơ Đu…), gắn với hoa đào, hoa mận, tăng cường các loại cây hoa, màu xanh của bản làng để thấy được sự no ấm, trù phú của ngày Xuân.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động đón Tết Canh Tý 2020 và Chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết".

Hoạt động tâm linh Chúc phúc đầu năm mới và "Bát hội đầu xuân" (Đêm 30, sáng mùng Một Tết, trọng tâm là ngày mùng 5 Tết) tại chính điện chùa Khmer, chùa Pháp Ấn. Đại đức trụ trì chùa Khmer và các nhà sư tụng kinh chúc phúc cầu an cho phật tử, du khách dịp đầu năm mới và cột chỉ tay dịp đầu năm mới. Dâng hương tại chùa Pháp Ấn. Ngày mùng 5 Tết có hoạt động hạnh trì bình khất thực đầu Xuân để mang đến sự may mắn, an lành, tĩnh tâm cho tất cả mọi người.

Hoạt động đón tiếp khách đầu Xuân Năm mới theo phong tục năm mới của đồng bào, các làng dân tộc đi chúc Tết, thăm hỏi nhau, giao lưu đầu năm mới giữa các làng và khách du lịch.

Các trò chơi dân gian truyền thống được đẩy mạnh giới thiệu cho du khách như trò ném pao, nhảy sạp, đi cà kheo, kéo co, bập bênh, đánh đu... được đồng bào cùng hướng dẫn du khách trải nghiệm để hòa cùng với không khí vui tươi ngày xuân.

Đặc biệt, các hoạt động Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2020, với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực do chính chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách tham quan trong những ngày đầu Xuân.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh 4.

+ Mặc dù nhiều tiềm năng là vậy nhưng những lợi thế của Làng vẫn chưa được khai thác hết. Trong thời gian tới, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có những định hướng và giải pháp gì để thu hút khách du lịch, thưa ông?

- Ông Trịnh Ngọc Chung: Trong thời gian tới, để tăng cường thu hút khách du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xác định các giải pháp, định hướng phát triển sau:

Tổ chức tốt và hấp dẫn 3 sự kiện thường niên "Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc"; "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4"; Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam". Bên cạnh đó là các hoạt động đón Tết Canh Tý 2020 và chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết"; các hoạt động thường xuyên của đồng bào; các hoạt động chuyên đề hàng tháng...

Giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc có chọn lọc, phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu về văn hóa dân tộc như Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam… nhằm giới thiệu và bảo tồn các giá trị truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc.

Tiếp tục tổ chức tốt hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc, phối hợp với các địa phương ổn định tổ chức của 15 cộng đồng dân tộc hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam và phấn đấu huy động thêm từ 2-3 cộng đồng dân tộc trong năm 2020.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thường xuyên các hoạt động tại Khu các làng dân tộc thu hút khách tham quan. Duy trì và phát huy các chương trình hoạt động văn hóa theo chủ đề hàng tuần, hàng tháng trong năm, tạo sức hấp dẫn và lan tỏa đề không ngừng thu hút, phát triển lượng khách tham quan.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng các công trình để khai thác có hiệu quả các công trình; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan…

Đồng thời, triển khai các hoạt động dịch vụ, khai thác kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách tham quan; Tăng cường công tác xúc tiến, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư đủ khả năng thực hiện dự án vào các khu chức năng sử dụng nguồn vốn ngoài Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các vướng mắc đối với các nhà đầu tư quan tâm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

img_9683

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ