(Cinet) - “Lặng yên cho nước chảy” – tập thơ mới nhất của Mai Văn Phấn vừa được ra mắt công chúng tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội. Nhẹ nhàng nhưng chạm đến cảm xúc của người đọc, “Lặng yên cho nước chảy” chính là đúc kết những chặng đường thơ của Mai Văn Phấn.
(Cinet) - “Lặng yên cho nước chảy” – tập thơ mới nhất của Mai Văn Phấn vừa được ra mắt công chúng tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội. Nhẹ nhàng nhưng chạm đến cảm xúc của người đọc, “Lặng yên cho nước chảy” chính là đúc kết những chặng đường thơ của Mai Văn Phấn.
Trong buổi tọa đàm "Mai Văn Phấn và dòng chảy thơ" nhân dịp ra mắt tác phẩm "Lặng yên cho nước chảy", ngoài tác giả Mai Văn Phấn, còn có sự góp mặt của Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thanh Tâm, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy và đặc biệt là ngài Pereric Hoberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
Tọa đàm ra mắt tập thơ "Lặng yên cho nước chảy" của Mai Văn Phấn |
Ông Pereric Hoberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ thơ của Mai Văn Phấn được phát ở Đài phát thanh Thụy Điển, nhiều tờ báo, tạp chí đăng tải. Thậm chí Đài Phát thanh Thụy Điển chọn tháng 2 là tháng thơ Mai Văn Phấn. Còn đối với riêng ngài Đại sứ, người đã có dịp đọc thơ Mai Văn Phấn bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và tiếng Pháp nhận định “Thơ ca của Mai Văn Phấn cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống đời thường. Thông qua cầu nối thơ ca là một trong những chìa khóa, trụ cột trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thụy Điển”.
Ông Pereric Hoberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chúc mừng nhà thơ Mai Văn Phấn |
Sau Ý Nhi, Mai Văn Phấn là người Việt Nam thứ hai được giải thưởng Cikada của Thụy Điển gọi tên. "Lặng yên cho nước chảy" thể hiện được bản lĩnh của một nhà thơ gạo cội. Đọc “Lặng yên cho nước chảy” độc giả sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi “thơ ca của người đàn ông này có gì để thế giới chú ý và được dịch ra nhiều ngoại ngữ đến thế?”
“Lặng yên cho nước chảy” do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn hợp tác ấn hành với 05 phần: Sương sớm (gồm những bài thơ có tính chất gợi mở với 2, 3 câu), Thay mùa (những bài thơ theo lối truyền thống), Đất mở (Thơ tự do về đất đai mùa màng), Cái miệng bất tử (thơ cách tân với những vấn đề thế sự), Buông tay cho trời rạng (thơ văn xuôi và trường thi). Trong đó, độc giả có thể thấy sự hòa quyện của đa dạng những thể loại thơ, từ lục bát đến thơ tự do đưa ta vào “mê cung” của những giai điệu ngọt ngào từ những câu thơ dài tựa như mạch nguồn cảm xúc, lại có những bài chỉ có ba, bốn câu với tính gợi mở…
Tuyển tập thơ "Lặng yên cho nước chảy" của Mai Văn Phấn |
Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, “thơ Mai Văn Phấn nhìn chung mạnh về hình ảnh, đặc biệt là các yếu tố tự nhiên. Ông dùng tự nhiên để chiêm nghiệm về bản thân và soi chiếu thế giới.”
Vẫn là sự nhẹ nhàng, tự nhiên vốn có với đất đai, mùa màng, cây cối, sông suối và biển cả…, trong thơ Mai Văn Phấn ta luôn nhìn thấy sự vận động của tự nhiên, và tự sự vận động đó tìm thấy những chiêm nghiệm của bản thân. Cái hay của tập thơ là đã đưa được cảm xúc của độc giả từ những rung động nhẹ nhàng lên tới những cơn sóng trào từ chính những cảm nhận tinh tế của tác giả qua từng giai đoạn sống của tác giả.
Mai Văn Phấn sinh năm 1955, tại Kim Sơn (Ninh Bình), hiện sống và sáng tác tại TP.Hải Phòng. Ông đã đạt một số giải thưởng Văn học trong nước và quốc tế, trong đó nổi bật là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải Văn học Cikada của Thụy Điển 2017.
Mai Văn Phấn đã xuất bản 14 tập thơ, 1 tập phê bình và tiểu luận tại Việt Nam, 13 tập thơ ở nước ngoài và trên mạng phát hành sách Amazon, chọn từ các tập thơ đã xuất bản trong nước. Đặc biệt, thơ Mai Văn Phấn đã được dịch sang 24 ngôn ngữ trên thế giới.
Như trong “Khúc cảm mùa thu”, Mai Văn Phấn viết: "Hóa thân giọt nước mùa hè. Một đêm trở gió bay về với thu. Dẫu chưa trọn kiếp sương mù. Xin tan loãng kẻo trăng lu cuối trời. Bao lần xanh biếc rong chơi. Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo. Thôi em! Đừng vặn! Đừng khêu! Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây. Anh vừa đọng xuống thu gầy. Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh".
Hay “Chiều nay em cho con bú. Ngoài kia từng chân kiến đang đi, từng cánh ong vẫn còn đang vỗ. Nơi anh về trú ngụ là ô trời xanh trong mắt em cười. Hạnh phúc nào bằng ta bên nhau thảnh thơi, như được xoải mình nơi chân đê cát mịn. Anh hôn lên ngực em căng đầy thơm mát, chiều ngọt ngào cánh cò cánh vạc, qua môi anh khẽ đậu xuống hồn. Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển, cứ thu mình tìm vào miệng con be bé xinh xinh...”
Đúng như những chia sẻ của Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, “dường như chúng ta đang quá ồn ào, chúng ta bận rộn với những cuộc tụ tập đông vui, chúng ta lao theo những tin tức thị phi và bình luận rôm rả... Chúng ta cho rằng đấy mới là sống, nhưng có thể đấy không phải là sống, theo cách nghĩ của một thi nhân. Bởi người ấy cho rằng phải lặng yên mới nghe được thấy được cảm được tất cả. Đó là lý do vì sao ông nhìn thấy thơ trong những chuyển động li ti của cuộc sống.”
Không quá “khó hấp thụ” với những kẻ không chuyên, không quá cách tân và dị biệt, nhưng “Lặng yên cho nước chảy” vẫn thành công trong việc thể hiện chặng đường thơ của Mai Văn Phấn, vẫn thành công trong việc gợi mở, kích thích sự sáng tạo, suy ngẫm cho bạn đọc từ những áng thơ văn vô cùng giản dị nhưng tươi tắn, đầy nhiệt huyết cũng như sự bao dung và hòa đồng cùng văn hóa dân tộc trong hơi thở hiện đại. Thơ đến được độc giả, có lẽ tác giả chỉ cần đến vậy, đổi mới thi ca có lẽ cũng bắt đầu từ đây…
Gia Linh