• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Lặng yên dưới vực sâu”- Bi kịch hôn nhân không tình yêu

02/05/2017 15:59

(Tổ Quốc)- Bắt nguồn từ một tập tục của người Mông: Cuộc sống vợ chồng trở thành nỗi đau, tình yêu bị chà đạp, thân phận người phụ nữ bị dày vò trong một khung cảnh nên thơ nhưng cũng đầy ám ảnh. Mở đầu cuốn tiểu thuyết của mình bằng cảnh bắt vợ, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện thấm đẫm bi kịch.



(Tổ Quốc)- Bắt nguồn từ một tập tục của người Mông: Cuộc sống vợ chồng trở thành nỗi đau, tình yêu bị chà đạp, thân phận người phụ nữ bị dày vò trong một khung cảnh nên thơ nhưng cũng đầy ám ảnh. Mở đầu cuốn tiểu thuyết của mình bằng cảnh bắt vợ, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện thấm đẫm bi kịch.

Bắt vợ trong đời sống của người Mông vốn là một tục lệ mang ý nghĩa nhân văn khi nó là một giải pháp để những đôi trai gái yêu nhau mà bị ngăn trở bởi gia đình và những thủ tục thách cưới đắt đỏ có thể đến được với nhau. Nhưng khi tập tục ấy bị lợi dụng sẽ trở thành hủ tục gây những hệ lụy không hề nhỏ, đặc biệt là với thân phận người phụ nữ. Vừ và Súa, đôi trai gái có một mối tình đẹp đẽ nhất U Khố Sủ nhưng hoàn cảnh ngăn cản họ đến với nhau, chỉ còn một cách để hai người có thể thành vợ chồng đó là thực hiện thủ tục bắt vợ. Nhưng dưới đêm trăng hẹn hò ấy, người cõng Súa về giường của mình không phải là Vừ. Cũng từ biến cố này các nhân vật của “Lặng yên dưới vực sâu” như những tảng đá trên cao nguyên lăn lông lốc vào một vòng yêu hận tình thù đầy bi ai.



Phim “Lặng yên dưới vực sâu” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy



Nhà văn Đỗ Bích Thúy vẫn là người viết về vùng cao, về văn hóa Mông sắc nét nhất hiện nay. Những truyện ngắn, tiểu thuyết của chị đều đi sâu vào khai thác những phận người nơi biên viễn khắc khổ mà vẫn đẹp đẽ lạ lùng. Không gian tiểu thuyết trong Lặng yên dưới vực sâu là U Khố Sủ nơi chỉ có những ngọn núi cao và vực sâu hút gió. Ở đó có những người Mông trẻ tuổi sống và yêu nhau nhưng giữa họ cũng có những xung đột mang đậm nét tính cách khoáng đạt của người dân sống trên đá.

Mỗi nhân vật trong câu chuyện hiện ra như từng mảnh ghép với từng nét cá tính riêng, họ gắn chặt với nhau bởi sự đau đớn và tủi nhục bắt nguồn từ tình yêu. Nếu Vừ là tảng đá hiền lành dưới bóng cây thì Phống là tảng đá nóng hầm hập dưới mặt trời cao nguyên. Súa mạnh mẽ và si mê bao nhiêu thì Xí trong sáng và tỉnh táo nhường ấy. Sự trái ngược trong tính cách các nhân vật khiến cho những xung đột xuyên suốt tác phẩm trở nên kịch tính hơn.

Nhân vật nữ trong các sáng tác của nhà văn Đỗ Bích Thúy luôn được ưu ái cho dù số phận của họ có bi ai bao nhiêu thì họ vẫn toát lên vẻ đẹp chân chất như những bông đào bông lê trên núi đá. Súa xinh đẹp mạnh mẽ bị ném vào một cuộc hôn nhân ép buộc. Là vợ Phống, thằng con trai nhà giàu nhất U Khố Sủ, làm dâu trong ngôi nhà to nhất bản nhưng Súa chẳng thể nào nở nụ cười dù chỉ một lần bởi trái tim Súa chỉ thuộc về một người. Phống không xấu hoàn toàn nhưng không thể làm cho Súa có thể động lòng dù chỉ một lần. Súa chấp nhận làm vợ Phống vì sự đã rồi nhưng chỉ là khúc gỗ bên thằng chồng mỗi đêm. Mỗi khi mặt trời buông xuống sau đỉnh núi, người con gái ấy lại sợ hãi giây phút phải vào ngủ cùng Phống, chịu sự dày vò thân xác của Phống. Đã bao lần Súa muốn bỏ trốn cùng người yêu mình là Vừ nhưng đều không dám, đến khi có thể quyết định thì không thể đi được nữa, Súa mang trong mình giọt máu của người chồng mà cô không hề có cảm tình. Hình ảnh Súa luôn nhìn ra ô cửa sổ mỗi lần Phống hì hục trên cơ thể đã khoắc họa thân phận người con gái bị chà đạp, một cuộc sống vợ chồng gượng ép.

Xí vì bạn thân mà nhận lời quan tâm chăm sóc cho người yêu của bạn, nhưng Xí cũng có những suy nghĩ tỉnh táo của một cô gái Mông hiện đại. Từ sự gửi gắm của bạn thân, Xí đã yêu Vừ bằng cả trái tim của một cô gái coi trọng một người con trai Mông thực thụ. Nhưng từ cuộc sống vợ chồng mà bạn mình đang bị nhấn vào Xí hiểu rằng tình cảm không chỉ có từ một phía và cuộc sống vợ chồng sẽ chỉ toàn đau khổ khi trái tim của người mình lấy lại chỉ hướng về một người khác.

“Lấy một người mà hồn người ấy cất hết ở chỗ khác thì cố làm gì chứ. Xí đã thấy Phống với Súa rồi. Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua, đẻ với nhau một đứa con hay thế kia, nhưng chưa một lúc nào Phống được Súa cười với một cái. Cái gì không phải của mình thì đừng cố lấy về. Xí nghĩ thế đấy”. Có lẽ đây là một câu thoại gói gọn được phần nào tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải trong “Lặng yên dưới vực sâu”. Cá tính dứt khoát của Xí có thể khiến người đọc chưng hửng bởi tương lai của Xí và Vừ, nhưng đó cũng là lựa chọn đầy lý tính của một người con gái có lòng tự trọng và có tình yêu thực sự. Xí là con gái, Xí yêu mãnh liệt như Phống yêu Súa nhưng cô không thể lặp lại sai lầm của Phống trói người không yêu mình lại.







Tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu”
 

Phống và Vừ hai chàng trai Mông nét tính cách trái ngược nhau, người hiền lành, kẻ táo bạo chỉ biết sống cho mình. Mỗi người có một số phận nhưng tình yêu kéo họ vào một bi kịch khiến cuộc đời họ khó lòng dứt ra được. Vừ chung tình và hiếu thảo, trái tim người con trai ấy chỉ dành cho một người vậy nên khi nhận được sự quan tâm chăm sóc của Xí anh chẳng rung động nhưng vì để báo hiếu với ông bà Vừ chấp nhận lấy Xí. Phống kẻ luôn hành động theo ý của mình chẳng thể có được hạnh phúc khi đã chọn cách chiếm đoạt tình yêu. Phống giam giữ được thể xác của Súa trong căn phòng của mình nhưng tâm hồn cô lại chẳng dành cho anh. Chính vì thế Phống dần dần trở thành nạn nhân của chính bi kịch cuộc đời do mình tạo ra. Người đàn ông có vợ xinh đẹp nhất U Khố Sủ đã phải rơi nước mắt cầu xin vợ giữ lại đứa con cho mình. Cuộc sống vợ chồng của họ chìm trong một sự ràng buộc cùng quẫn khi hai người không thể nói chuyện và đối xử với nhau như hai vợ chồng thực sự phải có. Cuối cùng đau khổ vì tình yêu không được đáp trả cộng với mặc cảm về xuất thân của mình Phống chọn cách gieo mình xuống vực sâu thăm thẳm.

“Lặng yên dưới vực sâu” là tiểu thuyết được nhà văn Đỗ Bích Thúy viết dài thêm từ truyện ngắn cùng tên trước đó. Câu chuyện tình tay ba của những chàng trai cô gái người Mông vừa u buồn vừa đẹp đẽ được chị đẩy đi xa hơn trong tiểu thuyết này. Mối tình ngang trái và số phận bi phẫn của các nhân vật có thể khiên người đọc cảm thấy choáng ngợp vì không khí ngột ngạt bao trùm tác phẩm, nhưng những nét văn hóa và cá tính nhân vật trong tiểu huyết cũng khiến người đọc hiểu hơn về văn hóa và đời sống của người dân tộc thiểu số sinh sống trên vùng xa xôi hẻo lánh.

Trong lần ra mắt cuốn tiểu thuyết mới này là một hình thức xuất bản mới của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy khi cùng lúc cho ra đời tiểu thuyết chị cũng tự tay chấp bút chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình cùng tên. Phim “Lặng yên dưới vực sâu” hiện đang được phát trong chương trình Rubic 8 thứ bảy và chủ nhật hàng tuần nhận được phản hồi rất tốt từ người xem.

Nguyễn Văn Toan

NỔI BẬT TRANG CHỦ