(Tổ Quốc) -Thông tin này được đưa ra tại buổi Họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 16/3 về một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Duy Long – Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hoá được phép mua cổ phần của doanh nghiệp.
Theo quy định, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động trong khu vực nhà nước được mua cổ phần nhưng phải căn cứ trên số năm công tác trong khu vực nhà nước với giá ưu đãi 40%.
Đây là chính sách của Nhà nước ưu đãi cho toàn bộ người lao động bao gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp.
“Cụ thể, người lao động, gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp cứ mỗi một năm làm việc trong khu vực nhà nước được mua 100 cổ phần với mức giá ưu đãi. Trước đây giá bán dựa trên 60% trên cơ sở giá bán thành công tốt nhất bán đấu giá. Về bản chất, Nhà nước đã ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp, bao gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp là 40% trên cơ sở giá”, ông Long cho hay.
Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện cổ phần hoá thời gian vừa qua, người lao động trong trường hợp đợi kết quả bán, thường kết quả bán đấu giá thì ít nhất cũng bằng giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.
Có trường hợp, mức ưu đãi cho người lao động bị nói là “ưu đãi lại thành ngược đãi”. Về việc này, ông Long giải thích, ví như trước kia Vietcombank bán đấu giá gấp 10 lần. Lúc đó, theo chính sách, người lao động trong công ty cổ phần được mua giảm giá 40% thì họ phải bỏ ra 60% - nghĩa là gấp 6 lần so với mệnh giá thì mới sở hữu một cổ phần ưu đãi.
“Và để tránh trường hợp “ưu đãi trở thành ngược đãi” thì trong dự thảo Nghị định mới, chúng tôi quy định rõ là dựa trên mệnh giá cổ phần (mức giá ban đầu) thì Nhà nước vẫn ưu đãi cho người lao động 40%, người lao động chỉ phải bỏ ra 60%, tương ứng 6.000 đồng/cổ phần. Đó là ý nghĩa của việc xác định mức giá khởi điểm điều chỉnh để mệnh giá là cơ sở ưu đãi cho người lao động. Và dự thảo đã điều chỉnh như vậy.
Với dự thảo Nghị định này, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp đều hưởng chính sách ưu đãi bình đẳng như nhau, dựa trên số đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước để tính ra số cổ phần được mua ưu đãi.
Ngoài ra, đối với người lao động là chuyên gia ở trong doanh nghiệp có khả năng cống hiến lớn cho doanh nghiệp, thì trong Nghị định 59 và trong dự thảo Nghị định mới này vẫn tiếp tục duy trì nội dung là ngoài số cổ phần mua ưu đãi theo số năm công tác thì vẫn tiếp tục được mua cổ phần ưu đãi thêm, nhưng ưu đãi này không có giảm giá. Đó là chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động”, ông Long nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của phóng viên đặt ra liệu có sự việc lãnh đạo mua thâu tóm cổ phần khi mà giá cổ phần thấp để sở hữu số lượng lớn cổ phiếu hay không? Ông Long cho biết, quy chế công khai tài sản minh bạch trong Luật phòng chống tham nhũng đã quy định rõ: “Nay “ông” có một cổ phần, hôm sau ông có thêm 1.000 cổ phần thì phải giải thích tại sao? Nếu lương tôi chuyển ngạch lên bậc cao thì tôi phải kê khai ngay, ngoài ra phải kê khai cả lương của vợ tôi – để xem số tiền mua cổ phiếu có nguồn gốc chính đáng không? Quan trọng nhất là những kê khai đó có được công bố không? Còn nếu trường hợp họ không mua trực tiếp mà con cháu họ mua thì chịu thôi, vì luật không cấm. Và tất nhiên, người lao động phải có hợp đồng lao động mới được mua cổ phần”, ông Long nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của báo chí bên lề cuộc họp về việc thực tế, có hiện tượng sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước biến thành doanh nghiệp gia đình, như trường hợp Công ty Bóng đèn Điện Quang, ông Long nói: “Cái đó tôi không khẳng định đó có phải doanh nghiệp gia đình hay không vì mỗi doanh nghiệp đều khác nhau. Cái quan trọng ở đây là có những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, nhà nước sẽ giám sát, kiểm tra thật chặt. Có những doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ mà bán hết chuyển sang tư nhân. Vậy thì doanh nghiệp đó có thể do tư nhân mua. Mà tư nhân thì có thể là gia đình hoặc nhóm người. Điện Quang là trường hợp cụ thể tôi không nói. Phải xem lại doanh nghiệp này có thuộc nhà nước nữa hay không? Quan trọng nhất là người mình nêu ra ở đây - là người lãnh đạo thì phải công khai minh bạch. Đây là quyền, trách nhiệm của họ trước pháp luật.”./.
Hà Giang