(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết, thời gian qua địa phương trở nên “nóng” bởi các dự án BT (Hợp đồng xây dựng – chuyển giao)…
Chiều 2/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng năm 2018 và trả lời nhiều vấn đề nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt hơn 23.870 tỷ đồng, tăng 41,5% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 9 tháng trên 3.727 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ.
Đặc biệt, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh 9 tháng hơn 5.380 nghìn lượt, tăng gần 23% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 3.290 nghìn lượt. Doanh thu du lịch hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 9.870 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2003 đến 2018, tại Quảng Nam có 144 dự án, riêng tại Khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) có 79 dự án, số còn lại nằm rải rác trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin một số dự án BT tại buổi họp báo. |
Trong 144 dự án này có 4 dự án triển khai theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), trong đó 2 dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, một là của Công ty Bách Đạt An, hai là dự án của Tập đoàn Đất Quảng.
Đặc biệt, dự án của Công ty Bách Đạt An được dư luận và báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua. Công ty này được ký hợp đồng đầu tư xây dựng tuyến đường dài 1,9km nối từ tuyến ĐT603A với tuyến với ĐT607 với tổng mức đầu tư hơn 69 tỷ đồng, đổi lại, công ty này được giao 105 héc-ta đất. Việc xây dựng tuyến đường hiện đang ngổn ngang, nhiều đoạn chưa được thi công do vướng giải phóng mặt bằng.
“Năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt các báo cáo tính khả thi dự án và chính thức ký hợp đồng vào năm 2016, thời gian thực hiện là 730 ngày... Nhà đầu tư sau đó đã đưa ra đề xuất đổi lấy 105 héc ta. 105 héc ta này là đất chưa sạch, đất có nhà dân. Bách Đạt An sau đó đã bỏ ra trên 400 tỷ đồng thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt. Đến hôm nay, hội đồng định giá tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất và giao cho nhà đầu tư tổng diện tích 47/105 héc ta. Số tiền sử dụng đất phải nộp sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng là 50 tỷ đồng. Số diện tích đất còn lại hiện đang thực công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện chưa đề xuất giá đất cho nhà đầu tư...", ông Toàn cho biết.
Việc xây dựng tuyến đường hiện đang ngổn ngang, nhiều đoạn chưa được thi công do vướng giải phóng mặt bằng. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, trong diện tích 47 héc ta đất mà chính quyền giao cho công ty Bách Đạt An, thì cơ cấu sử dụng đất như sau: Diện tích đất khai thác là 26 héc-ta (56%), diện tích thương mại, dịch vụ là 300 ngàn m2 (0.6%) còn lại là đất bố trí tái định cư, đất hạ tầng công cộng (43%). Như vậy, trong diện tích đất đã giao, nhà đầu tư chỉ được phép thu tiền sử dụng 26 héc ta, chứ không phải như dư luận hiểu nhầm là toàn bộ phần đất (105 héc-ta).
Được biết, theo kế hoạch, ngày 6/10, lãnh đạo tỉnh cùng Sở KH&ĐT và UBND TX.Điện Bàn mời chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề tồn đọng về các dự án tại Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. Theo ông Toàn, cho đến nay tỉnh chưa hề nhận được bất cứ đơn khiếu nại nào của nhà đầu tư thứ cấp liên quan đến việc mua bán, huy động vốn sai thuộc dự án BT nói trên.