• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lào Cai: Bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa

Văn hoá 09/06/2020 10:07

(Tổ Quốc) - Bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa; Hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho nhân dân; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, thúc đẩy toàn xã hội xây dựng gia đình hòa thuận - ấm no – tiến bộ - hạnh phúc là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại tỉnh Lào Cai.

Bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa

Sở VHTTDL đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong 10 năm qua, đơn vị đã tích cực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, gắn bảo tồn với khai thác phục vụ phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Các chương trình "biến di sản thành tài sản", "Mỗi cộng đồng, làng bản có một đặc sản trở thành sản phẩm du lịch" đã phát huy hiệu quả giá trị của tri thức dân gian, di sản văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai.

Giai đoạn 2011- 2015 tỉnh Lào Cai triển khai đề án số 13 của Tỉnh ủy về "Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011- 2015" nhằm xây dựng, củng cố tổ chức hoạt động và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trong đó có Đề án số 08-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về "Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020" là một trong những đề án trọng tâm toàn khóa 2016 - 2020 của Đảng bộ tỉnh; xây dựng và thực hiện Dự án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017- 2020". Trung bình mỗi năm kiểm kê 6 đến 8 di sản tại hơn 30 xã trên địa bàn toàn tỉnh như: nghiên cứu, sưu tầm bổ sung hoàn thiện dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ Cấp sắc người Dao, Lễ Mủ đẳng mai (cúng rừng) của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương); Lễ Khoi kìm (cúng rừng) của người Dao Đỏ tại xã Dền Sáng, Nậm Pung (huyện Bát Xát); xã Bản Khoang, Tả Phìn, Thanh Phú (huyện Sa Pa); ....

Lào Cai: Bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa - Ảnh 1.

Đền Thượng tưng bừng trong ngày hội/Nguồn: Báo Lào Cai

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng việc xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều di sản được cộng đồng chung tay bảo tồn sống và thường xuyên truyền dạy cho nhau tại mỗi thôn bản, điều đó giúp cho hoạt động bảo tồn di sản được tốt hơn.

Việc trưng bày về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số luôn được chú trọng; Bảo tàng tỉnh Lào Cai thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày mang tính chuyên đề về các Di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh như: Văn hóa Mông; Dao; Trưng bày Mặt nạ Dao; Di sản Văn hóa Các dân tộc tỉnh Lào Cai.... Các cuộc trưng bày này luôn được đánh giá cao.

Trên cơ sở kết quả Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Lào Cai đã tổ chức đánh giá và lựa chọn các di sản văn hóa tiểu biểu của các dân tộc tỉnh Lào Cai để lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2012 đến 2019, tỉnh Lào Cai đã có 27 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Giai đoạn 2012- 2015 đưa vào danh mục 16 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, giai đoạn 2016-2019 có 11 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia). Trong đó "Nghi lễ kéo co Tày, Giáy" và "nghi lễ then Tày, Nùng Thái" đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong năm 2020, tỉnh Lào Cai tiếp tục trình Bộ VHTTDL thêm 09 hồ sơ khoa học di sản tiêu biểu đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho nhân dân cư trú trên địa bàn

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có hiệu lực đến năm 2020 của UBND tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã được tỉnh quan tâm chú trọng triển khai thực hiện.

Nội dung của chương trình, đề án đã được lồng ghép vào các nhiệm vụ chuyên môn của ngành, trọng tâm là Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào đã được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở với các hình thức phong phú, đa dạng, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện Phong trào của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung, ý nghĩa thiết thực của Phong trào. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp được nêu trong các chương trình, đề án về Phong trào.

Qua 10 năm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phong trào, kết quả xây dựng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở như "Gia đình văn hóa", "Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống thiết chế văn hóa dần được hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở đã đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho nhân dân cư trú trên địa bàn. Các mục tiêu, nội dung, giải pháp triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được tổ chức thực hiện hiệu quả ở các địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở nông thôn, miền núi trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị của tỉnh, giữ vững an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nâng cao đời sống kinh tế.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, thúc đẩy toàn xã hội xây dựng gia đình hòa thuận - ấm no – tiến bộ - hạnh phúc

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", trong thời gian tới, Tỉnh ủy Lào Cai đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chỉ thị 49-CT/TW, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em và Luật Bình đẳng giới…tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, thúc đẩy toàn xã hội xây dựng gia đình hòa thuận - ấm no – tiến bộ - hạnh phúc.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác gia đình; thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác gia đình; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; chú trọng công tác giáo dục đời sống gia đình. Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống. Ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình người có công với cách mạng, gia đình người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình tái định cư gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", nâng cao chất lượng, số lượng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị; làng, bản, tổ dân phố văn hóa; xây dựng và đẩy mạnh "xã hội học tập", nâng cao dân trí để mỗi thành viên trong gia đình có kiến thức xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;…

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ