• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lào Cai khẳng định vị trí số 1 trên bản đồ du lịch Tây Bắc

Du lịch 19/07/2019 18:05

Sở hữu "kho báu" về bản sắc văn hóa các dân tộc, cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, kết hợp với núi non hùng vĩ, cảnh quan hoang sơ, trong suốt chiều dài phát triển, Lào Cai đã có chiến lược phù hợp để khai thác, phát triển ngành du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

lao cai

Festival Vó ngựa cao nguyên trắng thu hút rất đông khách du lịch đến Bắc Hà.

Với chủ trương và giải pháp đúng, du lịch Lào Cai đã khẳng định vị trí số 1 trên bản đồ du lịch Tây Bắc, với "3 nhất": Lượng khách đến tham quan, trải nghiệm đông nhất; doanh thu từ du lịch đạt cao nhất; thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất.

Mở đầu câu chuyện về du lịch Lào Cai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Thắng tự hào về thành quả mà du lịch Lào Cai đạt được. "Thành quả ấy không phải tự nhiên mà có, phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua quá trình dò dẫm, nghiên cứu, lựa chọn tiềm năng, thế mạnh của du lịch. Tìm được hướng đi không phải đã xong, mà phải đưa ra giải pháp đúng và trúng, vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh, vừa tạo sự riêng biệt, mang thương hiệu cho du lịch Lào Cai để du khách "được thưởng thức những đặc sản du lịch của tỉnh" mà không phải nơi nào cũng có được", ông Hà Văn Thắng tâm sự.

So với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Lào Cai là một trong những địa phương hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch, địa hình đa dạng đã tạo ra những "đặc sản" có một không hai để phát triển du lịch, như với đỉnh Fansipan được mệnh danh "Nóc nhà Đông Dương", những thửa ruộng bậc thang trải dài theo sườn đồi ở Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn được coi như kiệt tác mà hàng trăm năm qua, cộng đồng người Dao, người Mông, người La Chí đã áp dụng tri thức bản địa để khai hoang, dẫn thủy nhập điền và đặc biệt hơn, ruộng bậc thang ở Lào Cai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thế. Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sa Pa - Vườn Di sản ASEAN với hệ động vật, thực vật phong phú, không khí mát mẻ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá.

Lào Cai cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của 25 dân tộc. Mỗi dân tộc lại mang nét đặc trưng văn hóa, tạo nên bức tranh văn hóa miền núi sinh động, đầy sắc màu. Những phiên chợ, những lễ hội đặc sắc luôn thu hút du khách hòa cùng nhịp sống đặc trưng theo phong cách vùng cao. Chính vì vậy, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Giáy, Dao, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì là nét nổi bật, được khai thác tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Bảo Yên, nổi bật là các phiên chợ, lễ hội, làng du lịch homestay… Du lịch sinh thái là một trong những điểm mạnh của du lịch Lào Cai với nhiều điểm đến hấp dẫn, như khu du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, thác Tình yêu - suối Vàng (Sa Pa); khu vực lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà); rừng già Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Y Tý (Bát Xát)… Du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Fansipan - "Nóc nhà Đông Dương", đỉnh Ky Quan San (Bát Xát), núi Ba mẹ con (Bắc Hà), dù lượn, leo vách đá… Du lịch tâm linh với chuỗi hệ thống đền dọc sông Hồng, như đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) và đền Bảo Hà (Bảo Yên) kết nối với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.

Lào Cai còn một số sản phẩm du lịch độc đáo khác, như du lịch chợ phiên tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương; du lịch chuyên đề về hoa với các tour mùa hoa tam giác mạch (Bắc Hà, Si Ma Cai), hoa Đỗ Quyên (Y Tý, Quốc gia Hoàng Liên), thung lũng hoa (Bắc Hà)...

Chỉ với những nét khắc họa như vậy để thấy tiềm năng của du lịch Lào Cai và những nhà đầu tư lớn đã đến Lào Cai với sứ mệnh "đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng". Chẳng thế, ngay từ thời điểm trước khi thành lập tỉnh, trong chuyến đi thực tế ở Lào Cai (năm 1903) để lập bản đồ, đoàn trắc địa của Sở Địa lý Đông Dương đã phát hiện một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và khí hậu dễ chịu trên cao nguyên Lồ Suối Tủng (cao nguyên Sa Pa) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Lập tức, người ta nảy ra ý tưởng xây dựng ở đây một trại điều dưỡng. Tuy nhiên, ý tưởng này phải đến năm 1909 mới được Công sứ tỉnh Lào Cai - Toures đề xuất. Ngay sau đó, có rất nhiều bài nghiên cứu về Sa Pa, đặc biệt là bài "Khu nghỉ dưỡng" của Hautefeuille trên Tạp chí Đông Dương năm 1910 có đoạn viết: "Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa lần đầu tiên. Con đường dẫn đến Sa Pa chạy qua khu vực có phong cảnh tuyệt đẹp. Hai phần ba quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… Thung lũng giữa dãy Fansipan và cao nguyên Sa Pa (còn gọi là cao nguyên Lồ Suối Tủng) đẹp như thể thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…".

Từ đó đến nay, hơn một thế kỷ, Lào Cai đón nhận một "làn sóng" đầu tư phát triển du lịch. Hàng loạt nhà đầu tư chiến lược: SunGroup, VinGroup, Accor, The Manor Bitexco, Sa Pa Land, Trường Giang, Thiên Minh… đã đầu tư phát triển du lịch tại Lào Cai. Trong đó, điển hình là Tập đoàn SunGroup đã đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Fansipan. Đây là hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới được nhận kỷ lục Guinness thế giới về cáp treo 3 dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và cáp treo 3 dây dài nhất thế giới (6.292,5 m). Thời gian từ ga đi tới ga đến chỉ mất khoảng 15 phút. Điều này giúp du khách tiết kiệm thời gian đi lại và chinh phục "Nóc nhà Đông Dương" thuận lợi hơn.

Ngoài ra, nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã đi vào hoạt động tác động tích cực đến hoạt động du lịch Lào Cai, trong đó có Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Topas Ecolodge, Khu du lịch Lá Dao, các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Acord, Silk Path, Pao's Sa Pa). Hiện, toàn tỉnh có 1.241 cơ sở lưu trú, với 14.838; trong đó, 204 cơ sở được xếp sao, với 5.941 buồng; khách sạn 5 sao có 3 cơ sở; khách sạn 4 sao có 5 cơ sở; khách sạn 3 sao có 9 cơ sở; khách sạn 2 sao có 55 cơ sở; khách sạn 1 sao có 132 cơ sở; 1.037 nhà nghỉ và 340 homestay.

Với tiềm năng, thế mạnh vốn có và sự vào cuộc của các nhà đầu tư, lượng khách du lịch đến Lào Cai ngày càng tăng. Tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2018 đạt 4.246.590 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 718.585 lượt; khách nội địa đạt 3.528.005 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 13.406,3 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 4.298,3 tỷ đồng, khách nội địa đạt 9.108 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 2.905.853 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 459.112 lượt, khách nội địa đạt 2.446.741 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 11.255,5 tỷ đồng, trong đó, doanh thu khách quốc tế đạt 3.152,7 tỷ đồng, doanh thu khách nội địa đạt 8.102,8 tỷ đồng.

"Với vị thế đã được khẳng định, theo định hướng từ nay đến 2020, Lào Cai sẽ trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc và phát triển Sa Pa thành Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Thắng khẳng định./.

Theo baolaocai.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ