(Tổ Quốc) - Lào Cai thực hiện 90 buổi tuyên tuyền lưu động trong tháng 2; Hòa Bình tổ chức 63 lễ hội trong năm 2019; Ban hành Quy định quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai.
Lào Cai thực hiện 90 buổi tuyên tuyền lưu động trong tháng 2
Trong tháng 2/2020, các Đội tuyên truyền lưu động trên toàn tỉnh đã thực hiện 90 buổi, trong đó có 70 buổi phục vụ vùng sâu, vùng xa. Các đội chiếu phim lưu động trên toàn tỉnh thực hiện 60 buổi chiếu, lũy kế tháng 105 buổi; Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh đã tiến hành in sao băng, đĩa cho đội chiếu bóng lưu động các huyện chiếu phục vụ nhân dân và xây dựng kế hoạch chiếu phim tại Rạp. Các bộ phim được chiếu với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; phim có nội dung lành mạnh, vui tươi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, tinh thần của nhân dân trong dịp đầu Xuân.
Sở VHTTDL đã tổ chức tập huấn, quay phim 4 nghi lễ: Cúng nguồn nước, cấm bản, cúng rừng và tạ ơn thầy của người Hà Nhì thuộc Dự án Bảo tồn làng VH người Hà Nhì thôn Choản Thèn. Kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, hoạt động di tích ở Văn Bàn, Bảo Yên, Thành phố Lào Cai. Ban hành Kế hoạch triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2020; Hướng dẫn thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Lào Cai năm 2020; Chuẩn bị các nội dung tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH; Xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện QĐ 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tỉnh Lào Cai năm 2019.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL đã ban hành Kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020; Xây dựng Báo cáo thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại tỉnh Lào Cai năm 2019.
Hòa Bình: 63 lễ hội được tổ chức trong năm 2019
Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, trong giai đoạn này, công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng viên, di sản viên của Bảo tàng tỉnh và cán bộ làm công tác văn hóa của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố. Tiếp tục thực hiện kiểm kê thường xuyên các di vật tại Bảo tàng tỉnh; Tiếp nhận 12 hiện vật gốm, 02 hiện vật trống đồng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; Phục dựng một số trò chơi dân gian tiêu biểu của dân tộc Mường; 03 trống đồng cổ (Trống đồng Khoan Dụ, Trống đồng Lạc Lương, Trống đồng Lạc Hưng); Thống kê hệ thống di tích có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh; ...
Tổ chức 04 cuộc trưng bày gồm: "Trống đồng cổ tại tỉnh Hòa Bình" tại Bảo tàng tỉnh; "Di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình" tại tỉnh Hưng Yên; "Di sản Văn hóa tiêu biểu các dân tộc: Tày, Thái, Mông, Mường, Dao trên địa bàn tỉnh Hòa Bình" trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình 2019 tại huyện Tân Lạc. Duy trì mở cửa phòng trưng bày di sản "Di sản Văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình" tại Bảo tảng tỉnh tuyên truyền, giới thiệu cho khách thăm quan.
Năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 63 lễ hội được tổ chức, trong đó có 6 lễ hội cấp huyện, 35 lễ hội cấp xã, thị trấn, 22 lễ hội thôn, bản.
Trong năm qua, có 04 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh gồm: Di tích Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang, huyện Kỳ Sơn; Địa điểm thành lập Trung đoàn 12 - Hòa Bình, huyện Cao Phong; Hang Cát Đùn, huyện Lạc Thủy; danh lam thắng cảnh Thác Trăng, huyện Tân Lạc.
Ban hành Quy định quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu
UBND tỉnh Lai Châu ra Quyết định ban hành Quy định quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quy định này quy định hoạt động của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh bao gồm: Quản lý khu, điểm du lịch; quản lý khách du lịch; quản lý tài nguyên du lịch; quản lý môi trường du lịch, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch; vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch, xây dựng các công trình du lịch; quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; quản lý hoạt động du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; quản lý an ninh, trật tự xã hội; trách nhiệm của các sở, ban, ngành, tổ chức, các cơ sở kinh doanh du lịch, UBND các huyện, thành phố; Các nội dung khác về quản lý hoạt động du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối tượng áp dụng của Quy định là các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị chức năng có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động du lịch phải tuân thủ các nguyên tắc phát triển du lịch quy định tại Điều 4 Luật Du lịch năm 2017 và các quy định của Quy định này; Đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn; Tạo môi trường thuận lợi để thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; Đảm bảo Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch một cách hợp lý theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu đã được phê duyệt, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác phối hợp quản lý nhà nước dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đảm bảo đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, thống nhất trong công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.