• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lào Cai và bài học dạy nông dân làm du lịch

Du lịch 24/07/2014 00:24

(Toquoc)-Bài học thành công của du lịch Lào Cai là đề cao lợi ích của người dân và dạy nông dân làm du lịch cộng đồng.

(Toquoc)- Lào Cai từ lâu đã nổi lên là một địa phương mạnh về du lịch homestay trong cả nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng bài học thành công của du lịch Lào Cai là ở việc đề cao lợi ích của người dân và biết áp dụng hiệu quả bộ giáo trình dạy nông dân làm du lịch cộng đồng chỉ sau 12 ngày.



>> Du lịch homestay: Không thể làm đại trà

“Cầm tay chỉ việc”

Theo chia sẻ của ông Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, du lịch cộng đồng vốn đã phát triển ở Lào Cai từ lâu, song trước đây có một xu hướng là cứ hết một dự án du lịch thì người dân lại… bỏ. Do không được đào tạo nên cách làm du lịch của người dân cũng thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng đúng được sở thích, nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.





Du khách nước ngoài thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân bản địa

(Ảnh: Internet)

Trước thực trạng này, năm 2010, lãnh đạo Sở VHTTDL Lào Cai đã phối hợp cùng với một số trường ĐH, CĐ đào tạo về du lịch, một số tổ chức phi chính phủ để nghiên cứu về du lịch cộng đồng, từ đó soạn thảo ra một bộ giáo trình dạy nông dân làm du lịch homestay chỉ sau 12 ngày.  “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng muốn làm du lịch cộng đồng tốt thì phải nắm bắt và đáp ứng được tâm lý du khách. Bên cạnh đó, để phát triển loại hình du lịch này thì nguyên tắc trước hết là phải đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thể, được đảm bảo lợi ích. Sở dĩ trước đây du khách đến Sa Pa chụp ảnh cùng người dân tộc đều bị họ đòi tiền là vì họ không được lợi gì. Nhưng với cách làm du lịch này, đồng bào dân tộc thu được nguồn lợi cao nhất nên họ nhiệt tình hưởng ứng”- ông Sơn chia sẻ.



Qua nhiều lần thí điểm và sửa chữa, bộ giáo trình đã được hoàn thành vào tháng 11/2013 và được áp dụng rất hiệu quả tại nhiều điểm du lịch cộng đồng của Lào Cai.




Ông Ngô Trung Hà, giảng viên trường CĐ Du lịch Hà Nội, người trực tiếp tham gia soạn thảo bộ giáo trình và trực tiếp hướng dẫn dạy cho nông dân làm du lịch chia sẻ, khóa đào tạo hướng tới đối tượng là người dân tộc thiểu số nên việc giảng dạy chủ yếu được thực hiện trên cơ sở “cầm tay chỉ việc”. Với mỗi khóa học vỏn vẹn kéo dài 12 ngày, người dân được tham gia vào các hoạt động thực hành, trò chơi cụ thể chứ không đơn thuần là nghe giảng, để có thể tiếp thu một cách nhanh nhất những kỹ năng, kiến thức cơ bản nhất về kinh doanh và phục vụ du lịch. Các giảng viên sẽ dạy chi tiết từ cách vệ sinh nhà cửa, đón tiếp, giao tiếp với khách, cách tổ chức bữa ăn, bảo quản thức ăn và cả cách nấu một số món ăn đơn giản phục vụ du khách… Thậm chí, các giảng viên còn hướng dẫn cho người dân tự làm làm danh thiếp (namecard) để vừa có thể ghi được hết thông tin cá nhân cần thiết cho du khách, vừa tiết kiệm chi phí tối đa.

“Ngoài ra, chương trình đào tạo còn hướng dẫn người dân cách quản lý tiền thu được từ kinh doanh du lịch để có thể tái đầu tư. Ngày xưa bà con cứ có tiền là nhét túi và tiêu mà không biết hạch toán thế nào và kinh doanh có lãi hay không? Khóa học này sẽ giúp người dân biết làm kinh tế một cách bền vững, lâu dài” – giảng viên Ngô Trung Hà cho biết.

Đời sống người dân khấm khá lên nhờ du lịch

Với sự thay đổi đột phá này, du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã có những bước khởi sắc đáng kể. Theo ông Sơn, đến nay đã có khoảng 300 người dân được tham gia khóa học dạy làm du lịch trong 12 ngày và đều thu được hiệu quả rõ rệt khi áp dụng vào thực tế. Từ những mô hình du lịch cộng đồng thí điểm ban đầu với vài hộ dân tham gia đến nay Lào Cai có tới 12 điểm du lịch cộng đồng phát triển mạnh, đời sống người dân khấm khá lên, doanh thu của nhiều hộ dân đạt 40 - 50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm. Một số điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Lào Cai như bản Dền, Tả Phìn thu hút đến 2-3 vạn du khách/ 1 năm, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh gấp 3-5 lần so với những điểm không làm du lịch…





Một tấm danh thiếp do người dân làm du lịch homestay tự làm dưới sự hướng dẫn của các giảng viên trong khóa học làm du lịch cộng đồng trong 12 ngày (Ảnh: L.M)

Mới bắt tay làm du lịch homestay từ đầu năm 2014, vợ chồng anh Giàng A Tú và chị Mã Thị Phú (thôn Giàng Tả Chải, dân tộc Mông, xã Tả Van, huyện Sa Pa) đã bước đầu gặt hái được những thành quả đầu tiên. Anh Giang A Tú cho biết, trước đây hai vợ chồng chỉ làm nông nghiệp và bán hàng nên không đủ ăn. Sau khi được tham gia lớp đào tạo miễn phí làm du lịch, anh chị đã dần khấm khá lên và có thu nhập ổn định với nghề kinh doanh du lịch homestay. Với số vốn ban đầu khoảng hơn 100 triệu đồng nhờ bán trâu và vay vốn ngân hàng để sửa nhà, trang bị cơ sở vật chất, từ đầu năm đến nay gia đình anh đã đón tiếp khoảng 300 lượt khách, có lời ít nhất 3-4 triệu đồng/1 tháng sau khi trừ chi phí. “Tôi rất tự hào với văn hóa người Mông và muốn tìm hiểu sâu hơn nữa để có thể thuyết minh cho du khách. Du khách đến đây thường thích phong cảnh tự nhiên ở Sapa, đặc biệt là ruộng bậc thang. Ngoài ra, họ rất hào hứng với những nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa như trang phục người Mông, tìm hiểu quy trình dệt vải… Trước đây, bà con nhìn thấy nhà tôi làm thì nghĩ mình liều lĩnh, mạo hiểm. Song sau này thấy nhà tôi có thu nhập khá nhờ làm du lịch cũng muốn làm theo. Tôi nói họ hãy đi học lớp làm “homestay” miễn phí và tôi sẵn sàng hướng dẫn họ”- chị Mã Thị Phú cho biết thêm.

Trong khi đó, dù bắt tay làm du lịch homestay từ năm 2008, nhưng công việc kinh doanh du lịch homestay của anh Lầu Văn Phú (thôn Giàng Tả Chải, xã Tả Van, dân tộc Giáy) chỉ thực sự đi vào nề nếp và thu hút được lượng khách đều đặn sau khi anh tham gia lớp đào tạo làm du lịch của địa phương. Hiện nay, du lịch homestay đã đem lại cho gia đình anh thu nhập khá, nuôi được hai con ăn học. “Hiện lượng khách đến gia đình tôi tương đối đều, trung bình mỗi tháng khoảng 50 khách, khách chỉ nghỉ lại qua đêm thì thu 70.000 đồng/ngày, khách muốn ăn ba bữa thì 200.000 đồng/ngày. Trước làm ruộng, làm nương chỉ đủ ăn, không đủ tiền nuôi con đi học, nhưng giờ tôi đã nuôi được con học ĐH. Ngoài ra, tôi còn có được niềm vui khi nói chuyện, ăn uống, chia sẻ cùng du khách. Cộng đồng chúng tôi ý thức là phải bảo tồn các giá trị văn hóa để thu hút khách đến du lịch ngày càng đông” – Anh Lầu Văn Phú thật thà chia sẻ.

Ông Trần Hữu Sơn cho biết, từ thành công của mô hình đào tạo dạy nông dân làm du lịch trong 12 ngày, hiện Lào Cai đã chia sẻ bộ giáo trình này với một số tỉnh bạn như Bắc Cạn, Hà Giang và tiến tới phổ cập tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm hợp tác cùng thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng cho cả vùng. “Dù đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng du lịch cộng đồng hình thành và phát triển ở các địa phương Lào Cai đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy thế mạnh văn hóa bản địa của các dân tộc mà còn góp phần lớn vào xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Bộ giáo trình này như một sáng kiến đột phá của công tác giáo dục nguồn nhân lực vùng nông thôn. Nhưng chúng tôi không giữ cho riêng mình mà muốn nhân rộng cho các tỉnh bạn để cùng đẩy mạnh du lịch cộng đồng của toàn vùng mạnh lên.” – ông Sơn chia sẻ.

Có thể thấy rằng mô hình du lịch homestay ở Lào Cai đang đi đúng hướng và gặt hái những “trái ngọt” đầu tiên. Được biết, trong năm 2013, khách tham quan theo hình thức du lịch cộng đồng tại Lào Cai đạt 145.752 lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 29 tỷ đồng. Mô hình du lịch cộng đồng cũng được ngành du lịch Lào Cai lựa chọn để xây dựng chiến lược phát triển cụ thể.

Có lẽ sau Hội An, Lào Cai là một trong những hình mẫu đáng học tập khác về kinh nghiệm phát triển ngành "công nghiệp không khói" một cách bền vững nhờ đánh giá đúng tiềm năng của mình và đi đúng hướng, đồng thời biết đặt lợi ích của người dân là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển du lịch của mình./.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ