• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Góc khuất và những nỗi niềm

Pháp luật 07/03/2019 09:19

(Tổ Quốc) - Lao động người Việt cư trú, làm việc bất hợp pháp (BHP) ở nước ngoài từ nhiều năm nay đang làm "đau đầu" Chính phủ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc khi tỉ lệ ngày càng tăng. Theo số liệu của bộ Tư pháp Hàn Quốc, đến cuối tháng 8/2018 Việt Nam có 38.380 người BHP ở Hàn Quốc. Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách sau Thái Lan, Trung Quốc.

Những nẻo đường dẫn tới BHP

Mang giấc mơ đổi đời từ xuất ngoại để lao động, nhiều con đường trở thành lao động BHP tại Hàn Quốc như: Lao động hết hạn hợp đồng bỏ trốn không về; Phụ nữ kết hôn với người hàn xong vì lý do nào dó mà bỏ ra ; Du học sinh bỏ học. Đặc biệt, mấy năm gần đây tình trạng người Việt sang Hàn Quốc với Visa du học ngày càng tăng. Sau khi học được một năm, hoặc một học kỳ thì bỏ học, trốn ra ngoài làm việc trong các nhà máy, công trường xây dựng đang tăng khá nhanh.

Theo tìm hiểu thì chi phí để "chạy" một suất đi du học ở Hàn Quốc khá cao. Dao động từ 170-300 triệu đồng. Bản thân các em và gia đình dường như cũng "vỡ mộng" với những lời quảng cáo, "dụ dỗ" vừa học vừa làm vẫn có tháng 30-40 triệu gửi về nhà.

Khi đặt chân đến mảnh đất ước mơ, thì ngay lập tức vỡ mộng, áp lực nợ nần, kiếm tiền trả nợ đè nặng, ham muốn đổi đời cũng tăng thêm.

Dẫn đến tỷ lệ du học sinh trở thành lao động BHP càng ngày càng cao. Theo số liệu của bộ Tư Pháp Hàn Quốc. Hiện tại, ở nước này có đến 12.613 người thuộc diện du học tự túc bỏ trốn đi làm việc trong các nhà máy, công xưởng...

Đặc biệt, du học sinh người Việt chiếm đến 68.5% tương đương 8.651 người (có thể thực tế còn cao hơn).

Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Góc khuất và những nỗi niềm - Ảnh 1.

Một lao động làm việc tại xưởng ở Hàn Quốc. Ảnh: X.Quỳnh

Ngoài ra, xu hướng người Việt tìm đủ mọi cách để sang Hàn Quốc, tìm đủ cách để ở lại làm việc chui ngày càng tăng cao, với đủ mọi cách thức, đủ mọi hình thức. Thực tế với mức lương tối thiểu mỗi giờ lao động của Chính phủ Hàn Quốc quy định hiện tại là 8.350w/1h (tương đương 160 nghìn đồng/1h) nên sức hút của nó vẫn lớn. Bất chấp việc chính phủ Hàn Quốc càng ngày càng siết chặt việc cấp Visa nhập cảnh cho công dân Việt Nam bằng các hình thức du học...song song, với các đợt kiểm tra, truy quét, bắt bớ trong nước nhằm hạn chế số lao động nước ngoài cư trú, lao động BHP.

Phía sau những đồng Won...

Kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng, kiếm tiền nơi xứ người, với lao động BHP lại càng có không ít vấn đề. Mặc dù chính sách, chế độ dành cho lao động nước ngoài không có nhiều khác biệt so với công dân - lao động bản địa.

Người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn nhận được các chế độ như lễ tết, bảo hiểm, nghỉ phép... nhưng với lao động BHP thì gần như mọi thứ đều là con số 0.

Thế nên tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ốm đau thì người lao động BHP chỉ có trông cậy vào sự "hào phóng" của chủ sử dụng lao động cũng như các hiệp hội nhân đạo, nhân quyền, các tổ chức bảo vệ người di trú.

Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Góc khuất và những nỗi niềm - Ảnh 2.

Lao động Việt Nam làm việc tại một công trình xây dựng Hàn Quốc. Ảnh: X. Quỳnh

Bên cạnh đó, môt số vấn đề người lao động BHP phải đối mặt như nợ lương, tìm việc làm...

Anh TR.V.G quê Hà Tây (cũ), cho biết, trước đây công hết việc  chuyển qua làm cho một công ty bên cạnh một thời gian. Đến nay, đã mấy năm rồi mà chủ công ty đó vẫn còn nợ mình gần 20 triệu won.

"Đòi kiểu gì cũng không được, mình lại là BHP nên cũng chẳng dám làm căng được...", anh G. than thở.

Còn em N.X.H. một du học sinh quê Nghệ An đã ra lao động BHP được hơn 2 năm cho biết, ở nhà các công ty đưa người đi du học hứa hẹn qua Hàn vừa học vừa làm vẫn kiếm được 1.500-2.000 USD nên gia đình bỏ 12. 000 USD chi phí lo để đưa em qua.

Tuy nhiên, thực tế lại không như họ quảng cáo, nếu vừa học vừa làm thì chỉ đủ trang trải học phí, sinh hoạt cá nhân, nợ thì gánh trên vai.

"Nên ở trường được hơn nửa năm em bỏ ra đi làm anh ạ. Em làm xây dựng, công việc thì phập phù, lúc có lúc không, lại nặng nhọc, nguy hiểm. Nhưng lỡ đâm lao rồi...", H. nói.

Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Góc khuất và những nỗi niềm - Ảnh 3.

Lao động Việt Nam làm việc tại công trình xây dựng. Ảnh: X. Quỳnh

Ngoài ra, khổ sở, bi đát nhất là những người không may gặp tai nạn giao thông, tai nạn lao động thì thật sự khốn đốn.

Anh P.H. một lao động BHP quê Nghệ An, trên đường đi làm về bị tai nạn xe máy, chấn thương sọ não nặng phải nằm phòng cấp cứu đặp biệt. Chi phí lên đến gần 60 triệu won (gần 1.2 tỷ VNĐ). Do là lao động BHP nên không có bảo hiểm, mọi chi phí đều do gia đình, bạn bè gom góp gửi từ Việt Nam qua và nhờ sự kêu gọi chung tay từ cộng động người Việt tại Hàn Quốc giúp dỡ.

Sau 3 tháng điều trị tích cực, chi phí quá cao nên gia đình đành đưa về Việt Nam  chăm sóc, điều trị chờ phục hồi.

Tất nhiên không phải mọi lao động BHP ở Hàn Quốc đều khó khăn, gian nan như nhau. Bởi thế chẳng mấy ai tự nguyện trở thành lao động BHP, chấp nhận đứng bên lề xã hội và chấp nhận những cay đắng, rủi ro đầy rẫy nơi xứ người.

Nhưng vì cuộc sóng, vì những đồng won gửi về cho gia đình, vì sự kỳ vọng và cả áp lực đặt lên vai nên số lượng lao động BHP càng ngày càng tăng cao là vì thế.

Còn tiếp...


Văn Bình – Xuân Quỳnh (từ Hàn Quốc)

NỔI BẬT TRANG CHỦ