(Tổ Quốc) - Lao động bất hợp pháp (BHP) ở Hàn Quốc ngày càng tăng, kèm theo nhiều rủi ro. Vì thế, người lao động BHP tìm đủ mọi cách để rũ bỏ kiếp sống ngoài lề xã hội bằng mọi cách.
Vùng vẫy thoát kiếp BHP
Mang trên mình thân phận một người cư trú BHP, lao động BHP nằm ngoài rìa của những quyền lợi chính đáng mà những lao động hợp pháp được hưởng.
Nhiều người bằng cách này hay cách khác luôn muốn tìm cho mình một lối thoát, đúng hơn là một con đường để rũ bỏ được chiếc áo mang tên lao động BHP để ung dung, đường hoàng sinh sống, lao động một cách hợp pháp.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều lao động nước ngoài cả hợp pháp và BHP tìm cách chuyển đổi tư cách lưu trú. Trong đó nhu cầu của người lao động BHP dĩ nhiên cao hơn và họ cũng sẵn sàng trả một cái giá cao hơn để được ở lại một cách hợp pháp.
Một gia đình vợ Việt, chồng Hàn
Không ít cách mà người lao động BHP chạy trốn kiếp sống BHP bằng những cách ... cũng BHP. Người lao động BHP thường tìm đến các văn phòng dịch vụ dể nhờ làm giấy tờ, xin, chuyển đổi visa.
Họ có thể kết hôn với những phụ nữ ngoại quốc mang quốc tịch Hàn đã li hôn để được bảo lãnh, đổi visa hoặc có thể làm giấy tờ kết hôn với những phụ nữ đó, nhưng không sống chung (kết hôn giả).
Chi phí cho việc kết hôn giả thực sự rất cao. Theo tìm hiểu được biết, nam giới ngoại quốc muốn làm kết hôn giả với người mang quốc tịch Hàn Quốc thường phải trả cho người nữ một khoản tiền từ 30-35 triệu won tương đương 600-700 triệu đồng tiền Việt, một con số khủng khiếp với người lao động!
Ngoài ra, các chi phí như vé máy bay, chi phí đi lại, chi phí làm hồ sơ... người nam đều phải chi trả. Tính ra để một cuộc "hôn nhân" giả thành công, để nhận được visa lưu trú dài hạn theo diện này phải chi đến con số xấp xỉ 900 triệu VNĐ.
Còn với người nữ BHP muốn làm giấy tờ kết hôn giả với nam giới mang quốc tịch Hàn thì số tiền bỏ ra ít hơn, thường dao động 18-20 triệu won (tương đương 350-400 triệu VNĐ).
Thời gian gần đây, trong cộng đồng lao động người Việt ở Hàn Quốc đang rộ lên "phương án" xin visa "Tị Nạn" (visa G-1). Đây là loại Visa mà chính phủ Hàn Quốc ưu tiên cấp cho những người thật sự cần thiết, bức bách theo kiểu bất khả kháng.
Nhưng thông qua các đối tượng môi giới, các văn phòng dịch vụ giấy tờ những người xin visa sẽ biến mình thành những bệnh nhân hiểm nghèo xin cư trú chữa bệnh dài hạn, nạn nhân hoặc đương sự của một vụ kiện tụng tại Hàn Quốc.
Thậm chí tự biến mình thành nạn nhân của các cuộc chiến tranh, nạn nhân của những biến cố chính trị trong nước... nhằm qua mặt cơ quan chức năng Hàn Quốc với mục đích được ở lại một cách hợp pháp.
Mới đây nhất vào ngày 12/3, Bộ Tư pháp Hàn Quốc phát hiện, bắt giữ một đường dây làm giả giấy chứng minh thư người nước ngoài. Đồng thời, bắt giữ 10 người mang quốc tịch Việt Nam có liên quan.
Một chứng minh nhân dân Hàn Quốc
Được biết, nhiều lao động BHP có nhu cầu sở hữu giấy chứng minh người nước ngoài để đi lại, xin việc.
Trước đó năm 2017, cảnh sát thành phố Ulsan –Hàn Quốc cũng từng bắt giữ một cặp vợ chồng Hàn - Việt vì có liên quan đến việc làm giả giấy tờ cho lao động BHP người Việt.
Ngoài ra, không khó để tìm thấy những thông tin cho thuê giấy chứng minh thư người nước ngoài để xin việc, đi lại... vẫn được rao đầy rẫy,công khai trên mạng xã hội facebook.
Dù biết những việc làm như kết hôn giả, làm giả giấy tờ xin "tị nạn" thuê, mua giấy chứng minh thư giả là phạm pháp. Có thể bị bắt, phạt tiền, trục xuất và ngồi tù nhưng vì mưu sinh, vì muốn ở lại lâu dài không ít người nhắm mắt làm liều bước theo.
Những cạm bẫy chực chờ
Biết được nhu cầu muốn được ở lại, làm việc lâu dài ở Hàn và sự nôn nóng, mù mờ và cả lòng tham của người lao động BHP, những trung tâm tư vấn, hỗ trợ mọc lên đầy rẫy, các đối tượng môi giới, cũng hoạt động rôm rả.
Các đối tượng lợi dụng nhu cầu của người lao động để kiếm chác, tung hỏa mù, tung thông tin thiếu chính xác, nhập nhèm nhằm lôi kéo, dụ dỗ người lao động cắn câu.
Như đã nói ở trên, Visa G1 mà chính phủ Hàn Quốc cấp cho người nuớc ngoài khi họ ở vào hoàn cảnh bất khả kháng. Sau khi "tị nạn" được 6 tháng thì người mang visa G1 mới được quyền xin cấp phép đi làm việc, lao động.
Thời gian lưu trú và xin gia hạn của Visa diện này cũng bị bó hẹp, bị kiểm duyệt rất gắt gao. Việc xuất, nhập cảnh bằng Visa này cũng khó khăn hơn các hình thức Visa khác.
Tuy nhiên, các đối tượng môi giới thường đem ra những lời giới thiệu, quảng cáo "có cánh" khiến người khác lầm tưởng về "sức mạnh" của loại Visa này để từ đó sẵn sàng bỏ tiền làm "lấy được".
Bên cạnh đó, loại visa D6 với lời giới thiệu "được cư trú hợp pháp 2 năm, được đi làm việc bình thường, hết 2 năm có thể gia hạn thêm..." nhưng thực tế Visa D6 chính phủ Hàn Quốc cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo,văn hóa (giao lưu văn hóa,truyền giáo...).
Quảng cáo trên MXH làm visa tại Hàn
Mức phí để "xin" được loại Visa này thường từ 12.000-14.000 USD. Tất nhiên nếu người mang Visa này cũng chỉ được tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo...như quy định của chính quyền.
Ngoài ra, thời gian gần đây, đang rộ lên "trào lưu" quảng cáo, mời mọc người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc nộp tiền và đi theo diện Visa C4 .
Các trung tâm mua giới, quảng cáo "nhập cảnh lần đầu lưu trú 3 tháng, từ lần sau được ở hẳn 5 năm làm việc trong nhà máy mức lương cao ..." thực tế thì lại ngược hẳn...180 độ.
Visa C4 hay còn gọ là "Visa mùa" được ưu tiên cho một số vùng nông nghiệp trọng điểm của Hàn Quốc về mùa thu hoạch, gieo trồng.
Các địa phương theo quy định được tiếp nhận đề nghị của các nhà nông về việc thuê lao động thời vụ người nước ngoài để tham gia làm việc ngắn hạn (03 tháng).
Sau khi kết thúc 3 tháng làm việc ngắn hạn, người mang Visa này được trở lại hay không tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của chủ sử dụng và mọi thứ hồ sơ đều phải làm lại từ đầu.
"Visa mùa" người lao động theo diện này làm việc trong các nhà máy, công xưởng...là không thể. Nếu có thì cũng chỉ là làm việc BHP.
Được biết số tiền bỏ ra cho các đối tượng môi giới để xin loại Visa này cũng nằm ở mức 13.000-15.000 USD .
Một khi ước muốn đổi đời, khát vọng kiếm tiền xây dựng cuộc sống lên cao khi những đồng tiền kiếm được nới xứ người thật sự hấp dẫn với người lao động trong nước cũng như lao động BHP tại Hàn Quốc. Họ cũng chính là miếng mồi, là "mỏ vàng" cho các đối tượng xấu lợi dụng, kiếm chác bằng những hành vi phi pháp, gian dối. Lao động BHP vừa là khách hàng, là con mồi, là nạn nhân khi tiền thì mất, đã mang trên mình thân phận lao động BHP.
Đến lúc vỡ lỡ lại dính đến những tội khác như làm giả giấy tờ, mua bán giấy tờ... vì tiền mất công việc không được như hứa hẹn ban đầu còn dẫn đến nợ nần va chạm, từ đó phạm pháp.